Tài chính quốc tế

Nepal bất ngờ đổi ý, nối lại dự án thủy điện 2,5 tỷ USD với Trung Quốc

(VNF) - Công khai quan điểm thân Bắc Kinh, Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli mới đây đã nối lại thỏa thuận xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất nước này trị giá 2,5 tỷ USD với Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc.

Nepal bất ngờ đổi ý, nối lại dự án thủy điện 2,5 tỷ USD với Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli.

Quan hệ Nepal – Trung Quốc được cải thiện đáng kể từ khi ông Sharma Oli đắc cử vị trí Thủ tướng Nepal vào tháng 2.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Oli (65 tuổi) kêu gọi mở rộng mạng lưới đường sắt Trung Quốc vào Nepal, thực hiện các dự án thủy điện, sân bay và cơ sở hạ tầng khác để tạo việc làm, theo Reuters.

Đảng Cộng sản Marxist-Leninist thống nhất Nepal (CPN-UML) của ông cũng từng nhấn mạnh nếu lên nắm quyền, đảng này sẽ trao lại dự án thủy điện trị giá 2,5 tỷ USD cho công ty Trung Quốc sau khi Phó thủ tướng Nepal Kamal Thapa thông báo hủy bỏ thỏa thuận vào tháng 11/2017.

Tân Thủ tướng Nepal đang trông cậy vào các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ từ Trung Quốc nhằm giảm bớt sự phụ thuộc Ấn Độ trong nhiều năm qua.

Theo tiết lộ của một quan chức Nepal ngày 23/9, thỏa thuận chính thức sẽ được ký kết sau khi chính phủ nước này đàm phán lại các điều khoản với phía Gezhouba.

Nepal vốn sở hữu những con sông trải dài từ dãy Himalaya có tiềm năng thủy điện lớn nhưng việc thiếu vốn đầu tư và công nghệ khiến nước này phải phụ thuộc vào Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu điện năng vào khoảng 1.400 megawatt (MW) mỗi năm.

Tháng 6/2017, Nepal và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ để xây dựng nhà máy thủy điện 1.200 MW, cách thủ đô Kathmandu khoảng 80 km. Thỏa thuận được ký chưa đầy một tháng sau khi Nepal chính thức đồng ý tham gia "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, việc ký kết này đã vấp phải làn sóng chỉ trích cho rằng dự án này cần mở thầu cho quốc tế chứ không phải chỉ dựa vào công ty Trung Quốc. Một nhóm nghị sĩ tại quốc hội đã yêu cầu chính phủ hủy bỏ thỏa thuận. Tới cuối năm 2017, Nepal đã chính thức công bố hủy bỏ thỏa thuận.

Theo Phó thủ tướng Nepal Kamal Thapa, lý do của quyế định này là vì giới chức nước này nhận thấy rằng thỏa thuận với tập đoàn Gezhouba về dự án thủy điện Budhi Gandaki được lập ra không đúng quy định và thiếu thận trọng.

Việc hủy thỏa thuận được cho là một bước thụt lùi lớn với Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường sức ảnh hưởng ở đất nước nằm tại vùng Himalaya thông qua nỗ lực xây dựng hạ tầng cơ sở quy mô lớn.

Xem thêm >> Thảm kịch máy bay Il-20: Israel bác bỏ hoàn toàn cáo buộc của Nga

Tin mới lên