Diễn đàn VNF

'Nếu chỉ có cải cách hành chính thì kiến tạo mới được một phần'

(VNF) - Chuyên gia kinh tế cho rằng, rất cần toàn bộ cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì khi đó Việt Nam mới có một nhà nước kiến tạo theo đúng nghĩa. Nếu chỉ kiến tạo ở góc độ cải cách hành chính thì kiến tạo mới chỉ được một phần

'Nếu chỉ có cải cách hành chính thì kiến tạo mới được một phần'

Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban kinh tế của Quốc hội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam và vai trò của Chính phủ kiến tạo trong việc hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh".

Nhân dịp này, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng công bố ấn phẩm thường niên "Kinh tế Việt Nam 2016: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trường và vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển".

Trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cùng với việc đánh giá toàn diện thực trạng  kinh tế Việt Nam 2016 và triển vọng 2017, báo cáo đã đánh giá chuyên sâu về "Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và vai trò nhà nước kiến tạo phát triển". Lý do lựa chọn chủ đề chuyên sâu này xuất phát từ quan điểm cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ xuyên suốt của cả giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng nhà nước kiến tạo chính là khâu đột phá để thực hiện. Năm 2016 được xác định là năm khởi động thực hiện các nội dung này cho cả giai đoạn 2016 - 2020.

Về đánh giá kinh tế Việt nam 2016, triển vọng phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và những năm tiếp theo, báo cáo tán thành nhận định về những mặt tích cực, được nêu trong Nghị quyết 23 của Quốc hội. Mặt khác, Báo cáo nhấn mạnh đến những "khoảng tối" trong bức tranh phát triển kinh tế của Việt Nam cụ thể như: Tăng trưởng kinh tế năm 2016 đã không đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra và thấp hơn nhiều so với 2015, lạm phát cao hơn rất nhiều so với 2015, thâm hụt ngân sách cao xấp xỉ năm 2015, nợ công đã chạm ngưỡng cảnh báo mất an toàn và báo hiệu những rủi ro vĩ mô đang ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2016 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, những thành quả của tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua còn hạn chế, chưa tạo điều kiện để có một mô hình tăng trưởng tốt. Đặc trưng mô hình tăng trưởng vẫn mang nặng màu sắc tăng trưởng dựa vào vốn, gia công và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực nhà nước chưa đóng được vai trò dẫn dắt trong khi khu vực tư nhân chưa đủ sức vươn lên.

Ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, tái cơ cấu cần phải tính đến chủ thuyết của Diễn đàn kinh tế thế giới. Theo đó, nền kinh tế phát triển theo 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là tăng trưởng dựa trên tăng các nguyên tố đầu vào và Việt Nam đang bắt đầu về vấn đề này. Theo cách phân loại này, Việt Nam đang chuyển đổi trong chừng mực nào đó từ việc tăng các nhân tố đầu vào như vốn, lao động sang tăng dần hiệu quả của các yếu tố

Đối với vấn đề xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, PGS.TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ luôn nhấn mạnh về chủ trương thực hiện Chính phủ kiến tạo và đã đạt được những thành công bước đầu về thay đổi tư duy và phương thức điều hành nền kinh tế, về xây dựng và củng cố năng lực thể chế nhà nước.

Tại Lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Với cương vị là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, tôi sẽ cùng tập thể Chính phủ thừa kế và phát huy những thành tựu của 30 năm Đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thử thách; nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân...".

Cùng với đó là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, phát huy dân chủ trong xã hội để đưa nhà nước đến gần dân hơn. Hiệu quả của những đổi mới đã được ghi nhận ở cả cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế có năng lực thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy sự tham gia của cả cộng đồng.

"Có thể coi đây là một thông điệp cụ thể, mạnh mẽ của Chính phủ trong cải cách thể chế, nhằm đạt được mục tiêu hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đặt ra", báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2016 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét.

PGS.TS Lê Xuân Bá cho rằng: "Nếu chỉ có Chính phủ làm điều này thì quan điểm đó sẽ không thể thực hiện được. Rất cần toàn bộ cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thì khi đó Việt Nam mới có một nhà nước kiến tạo theo đúng nghĩa. Nếu chỉ kiến tạo ở góc độ cải cách hành chính thì kiến tạo mới chỉ được một phần".

Về triển vọng 2017, báo cáo đã dự báo hai phương án tăng trưởng với mức 6,0% và 6,6%. Việc thực hiện các mục tiêu đặt ra, báo cáo cho rằng, phụ thuộc nhiều vào ý chí quyết tâm và những tính toán khoa học thực hiện những bước đột phá trong hành động từ phía Nhà nước, Chính phủ, đến các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội.

Tin mới lên