Tiêu điểm

Nếu dừng mỏ sắt Thạch Khê: Tiền đã tiêu, ai bồi thường?

Cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) khẳng định mỏ sắt Thạch Khê đủ điều kiện để triển khai và không có lý do gì để phải đình hoãn. Còn trong trường hợp buộc phải dừng thì "người ký" quyết định phải hoàn trả toàn bộ phần vốn góp mà các cổ đông đã bỏ ra.

Nếu dừng mỏ sắt Thạch Khê: Tiền đã tiêu, ai bồi thường?

Thủ tướng kiến nghị xem xét chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) dừng dự án này.


"Thủ tướng đang cho thấy một tinh thần kiến tạo thực sự", ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long – cổ đông tư nhân duy nhất trong số các nhà sáng lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) - mở đầu như vậy khi trả lời phỏng vấn với Tạp chí Nhà Đầu tư.

Là người theo dõi, quan tâm, bỏ công sức và tiền bạc cho Dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) 11 năm nay (2006-2017) đến nay dự án vẫn chưa được triển khai do chưa nhận được sự đồng thuận từ các bên, ông Phạm Lê Hùng đã trực tiếp gửi "tâm thư" lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Chủ tịch Khoáng sản Thăng Long tin rằng với kinh nghiệm dày dặn của mình, với ý chí quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, "Thủ tướng sẽ có quyết định cho triển khai dự án này".

Liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), ngay sau khi Bộ KH&ĐT có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị xem xét chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) dừng dự án này, Bộ Công Thương phản hồi rằng, việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Không lo năng lực tài chính, công nghệ

Trước ý kiến cho rằng năng lực chủ đầu tư yếu, ông Phạm Lê Hùng khẳng định không lo về tài chính. Khi có quyết định dự án được tiếp tục triển khai, các cổ đông của TIC nộp đủ vốn điều lệ (2.400 tỷ đồng) thì ngân hàng sẽ ký hợp đồng cho vay.

"Thậm chí chúng tôi sẵn sàng ứng trước tiền, bốc trước 10 triệu m3 đất đá và khai thác 5 triệu tấn quặng mới thanh toán. 5 triệu tấn quặng thu được 5.000 tỷ rồi, trong lúc đó chi trả cho nhà thầu chỉ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, vẫn còn 4.000 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ của TIC rồi".

Ông Phạm Lê Hùng

Ông Phạm Lê Hùng khẳng định dự án này khả thi và các cổ đông đủ sức để làm. Hiện tại đúng là có 3 cổ đông không góp vốn từ 2011 đến nay nên Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tăng tỷ lệ sở hữu từ 30% lên gần 60%, còn Công ty Thăng Long tăng vốn từ 3% lên 12-13%.

Với ba cổ đông này (bao gồm Mitraco Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam, Bitexco), chủ đầu tư đề xuất, nếu Chính phủ cho phép cổ phần hóa sẽ phát hành cổ phiếu, cho thêm nhà đầu tư có năng lực vào bằng cách mua lại cổ phần của các cổ đông "bỏ cuộc".

Hơn nữa, cả TKV và Thăng Long đều có cam kết văn bản gửi Bộ Công Thương và Chính phủ được góp thay số vốn hơn 200 tỷ đồng của các cổ đông không thực hiện.

Chủ tịch Khoáng sản Thăng Long giãi bày thêm: "Công nghệ của chúng tôi có thể không hiện đại nhất nhưng tốt nhất và phù hợp nhất rồi. Dự án đã dùng máy xúc thủy lực, bánh xích lớn, gầu 5 khối trở lên, ô tô chạy trên sa mạc, trên bãi cát thoải mái. Công nghệ của Ấn Độ hay Úc mà tôi đã đi thăm không thể bằng TKV, công nghệ yên tâm tuyệt đối, phù hợp hoàn toàn".

Nếu dừng dự án, ai bồi thường?

Người đứng đầu Công ty Thăng Long khẳng định, về hiệu quả kinh tế xã hội, 1 tấn quặng đào lên sẽ nộp cho ngân sách nhà nước không dưới 500.000 đồng/tấn (chiếm một nửa giá thành), bao gồm tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, phí môi trường, VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu… Giai đoạn 1 khai thác 5 triệu tấn, nộp ngân sách 2.500 tỷ, giai đoạn 10 triệu tấn nộp 5.000 tỷ. Cả đời dự án khai thác 360 triệu tấn, sẽ nộp ngân sách 190.000 tỷ đồng tương đương 9 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. 

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, việc dừng dự án sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Ngoài việc không phát huy kịp thời nguồn tài nguyên sẵn có, không tạo được nguồn thu ngân sách cũng như tăng GDP, nếu dự án buộc phải dừng, người dân địa phương sẽ phải chịu ảnh hưởng của công trình xây dựng dở dang, mất an toàn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cùng đó là nguy cơ mất cơ hội việc làm cho 3.500 lao động tại địa phương…

Chủ đầu tư cho biết, hiện nay, dự án đã giải phóng mặt bằng 827 ha, bốc xúc 12,7 triệu m3, nộp ngân sách nhà nước 253 tỷ đồng, xây dựng các công trình thuộc đề án 946 (hỗ trợ địa phương). Tổng chi phí cho các việc đã làm là 2.000 tỷ đồng (toàn bộ là tiền góp vốn của các cổ đông, chưa vay ngân hàng). Nếu dừng sẽ có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp nhà nước. 

Ông Phạm Lê Hùng bày tỏ quan điểm, nếu dừng dự án, quyền lợi của nhà đầu tư cần được giải quyết theo hai phương án. Thứ nhất là phải bồi thường cho nhà đầu tư ít nhất là toàn bộ vốn đã góp. "Tiền cổ đông góp, Nhà nước đã tiêu. Ai ký quyết định dừng dự án, người ấy phải bồi thường", ông Hùng nói.

Phương án thứ hai mà Chủ tịch Khoáng sản Thăng Long đưa ra là cấp thẩm quyền phải đóng dấu chứng nhận Công ty Thăng Long đã nộp đủ số tiền tương đương 12,5% vốn góp vào dự án (243 tỷ đồng, cộng với lãi suất ngân hàng 10 năm qua đã lên đến gần 300 tỷ đồng). 

"Có thể 5, 10 năm nữa làm cũng không sao, và nếu có bất kỳ nhà đầu tư khác nào triển khai dự án thì 12,5% vốn góp này vẫn là của Thăng Long. Đó là "tiền tươi thóc thật", mồ hôi nước mắt của chúng tôi", ông Hùng giãi bày. 

"Nếu dự án không được triển khai thì các quy định, thủ tục pháp lý mà dự án đã chấp hành phải chăng là mất hết hiệu lực, như vậy còn đâu là Nhà nước pháp quyền? Và không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về cải cách hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ kiến tạo", ông Phạm Lê Hùng viết như vậy trong thư gửi Thủ tướng.

Tin mới lên