Tiêu điểm

NFSC: Tăng trưởng năm 2015 ở mức 6,5%, lạm phát 2%

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2015; trong đó vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2015 ở mức 6,5% và lạm phát là 2%.

NFSC: Tăng trưởng năm 2015 ở mức 6,5%, lạm phát 2%

Tăng trưởng hồi phục, nhưng có xu hướng chậm lại

"Tăng trưởng tiếp tục đà hồi phục tuy nhiên tốc độ tăng có xu hướng chậm lại", NFSC nhận định. Sở dĩ như vậy, theo cơ quan này, động lực chính cho tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm 2015 tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với mức 6,9% của cùng kỳ năm 2014; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10% (so với mức 8,4% của cùng kỳ 2014). Tuy nhiên, tốc đô tăng trưởng loại bỏ yếu tố mùa vụ có xu hướng chậm lại, tháng 9, chỉ số PMI lần đầu tiên giảm dưới 50 điểm (49,5 điểm) sau 25 tháng liên tiếp duy trì mức điểm trên 50. Cầu của các nước trong khu vực còn yếu phần nào tác động tới tình trạng sản xuất trong nước, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ 4 liên tiếp.

Mặc dù vậy, NFSC vẫn giữ nguyên dự báo từ đầu năm về mức tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2015.

Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế những tháng đầu năm là xuất khẩu vẫn duy trì tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều nền kinh tế lớn suy giảm mạnh tốc độ tăng trưởng. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2015 tăng 8,5% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều mức tăng xuất khẩu ước tính cho năm 2015 của thế giới (5,1%) cũng như của ASEAN-5 (8,0%) và Trung Quốc (6,8%).  Tính chung 10 tháng, tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở mức 3,1%, tỷ lệ này có xu hướng giảm dần so với các tháng trước đó và thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra của Quốc hội là 5%.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý theo NFSC, xuất khẩu tăng trưởng khá là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khi xuất khẩu của khu vực trong nước 10 tháng đầu năm 2015 giảm 3,3% so với (cùng kỳ 2014, cùng kỳ 2014 tăng 12,9%).

Một điểm tích cực nữa cũng được NFSC chỉ ra là tiêu dùng và đầu tư tư nhân tiếp tục được cải thiện. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Q3/2015 đạt 31,9% GDP, mức cao nhất kể từ 2012, trong đó, đầu tư khu vực kinh tế tư nhân tăng khá, chiếm 37,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (tương đương mức của cả năm 2014). Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất cho thấy đầu tư tư nhân đang được cải thiện tích cực là tính đến ngày 21/9, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,5% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ 2014 chỉ tăng 7,26%).

Về tiêu dùng, chỉ số niềm tin người tiêu dùng – CCI tháng 9 do ANZ công bố, ở mức 135,3 điểm, tăng 1,6 điểm so với tháng trước và tăng 2,05 điểm so với trung bình năm 2014. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tính chung 10 tháng 2015 (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 8,4% so với cùng kỳ, mức cao nhất so với cùng kỳ của 5 năm qua.

Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì

Đáng chú ý là chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện tích cực, hiệu quả được nâng cao khi ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì; lạm phát thấp và ổn định.

Mặc dù trong tháng 10 lạm phát (so cùng kỳ năm trước) giảm xuống 0% (bằng mức của tháng trước đó) nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức 2,4%, là mức ổn định của lạm phát cơ bản trong suốt 8 tháng gần đây. Căn cứ diễn biến của giá dầu, NFSC giữ nguyên  dự báo lạm phát năm 2015 ở mức 2%.

"Lạm phát ở mức thấp trong năm 2015 là nhân tố để duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Do vậy, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức lãi suất thấp hợp lý trong năm 2015", NFSC dự báo.

Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được giữ vững. Mặc dù thu ngân sách khó khăn do thu từ dầu thô giảm mạnh, tuy nhiên theo năm 2015 tổng thu ngân sách nhà nước vẫn ước đạt 927,5  nghìn tỷ đồng, vượt 1,8% so với dự toán và đạt mức tăng 7,4% so với cùng kỳ 2014.

Đặc biệt khu vực ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, trích lập DPRR tăng. Đây là một điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế. NFSC dẫn chứng, tháng 10, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%. "Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản", NFSC cho biết.

Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn chuyển dịch theo hướng tích cực với sự gia tăng tỷ trọng các khoản vay ngắn hạn.

Dự báo về những tháng còn lại của năm 2015, NFSC cho rằng, nhiều khả năng không có biến động lớn, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, tăng trưởng tiếp tục hướng tới mục tiêu cả năm là 6,5% như dự báo trước đây. Lãi suất, tỷ giá có thể tiếp tục duy trì ổn định.

"Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo có xu hướng chậm lại một phần do kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, một phần do cơ cấu kinh tế trong nước chậm được cải cách, chưa tạo được động lực mới cho tăng trưởng, trong khi đó, dư địa chính sách (tài khóa và tiền tệ) ngày càng bị thu hẹp", NFSC cho biết.

NFSC dự báo năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giao động trong khoảng 6,5% - 6,7%. CPI sẽ cao hơn năm 2015 do giá cả một số mặt hàng cơ bản và dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh. Tuy nhiên, do giá cả trên thị trường quốc tế tiếp tục thấp và cầu trong nước chưa tăng mạnh, CPI được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp, khoảng 3,5% - 4,5%, tùy thuộc vào mức độ cải cách giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công.
Tin mới lên