Tài chính quốc tế

Nga áp thuế bổ sung đến 40% lên một số hàng nhập khẩu Mỹ

(VNF) - Kể từ ngày 5/8, Nga bắt đầu áp mức thuế mới từ 25% đến 40% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này nhằm đáp trả việc Mỹ tăng thuế thép và nhôm tương ứng 25% và 10% đối với Nga.

Nga áp thuế bổ sung đến 40% lên một số hàng nhập khẩu Mỹ

Nga chính thức áp dụng mức thuế bổ sung đến 40% lên một số hàng nhập khẩu Mỹ.

Theo đó, Moscow sẽ áp thuế bổ sung từ 25-40% với cáp quang, thiết bị xây dựng đường sá, dầu và khí đốt, luyện kim và khai mỏ.

Mức thuế 40% được Nga áp dụng đối với các mặt hàng như phương tiện vận tải, máy xây dựng đường bộ, thiết bị dầu khí, công cụ chế biến thép, khoan đá và sợi quang nhập từ Mỹ. Trước đó mức thuế mà Nga áp dụng với các mặt hàng này là 25%.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho biết đây là các mặt hàng nhập khẩu mà các nhà sản xuất trong nước có thể thay thế. Số tiền thu về sẽ được đầu tư cho các doanh nghiệp Nga hoạt động trong cùng một lĩnh vực.

Dự tính với mức thuế này, Nga sẽ bù đắp được khoản thiệt hại 537,6 triệu USD do biện pháp trừng phạt của Mỹ trong vòng hơn 3 năm trở lại đây. Mức thuế mới sẽ giúp Nga bù lại 87,6 triệu USD trong năm nay. Số 450 triệu còn lại sẽ được bù trong ba năm tiếp theo.

Ông Oreshkin cho biết việc làm của Nga phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Giới doanh nghiệp Nga cho rằng biện pháp đáp trả này sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, và điều đó sẽ có lợi cho hàng hóa sản xuất tại Nga. Tuy nhiên Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Nga (AmCham) Alexis Rodzianko cho rằng còn sớm để đánh giá cụ thể hơn hiệu quả của biện pháp này.

Mới đây, theo một văn bản lưu hành trong các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nga đã bắt đầu tiến hành các bước đấu tranh tại WTO đối với việc Mỹ áp thuế lên các sản phẩm nhôm và thép.

Trong tài liệu trên, Moscow cáo buộc Washington vi phạm nhiều luật lệ quy định về thương mại quốc tế và chính thức yêu cầu "tham vấn" với Mỹ về mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm.

Tham vấn là bước đầu tiên trong quá trình tiến hành một cuộc đấu tranh pháp lý đầy đủ tại WTO. Động thái này cũng có nghĩa là Nga đã cùng các thành viên “nặng ký” khác của WTO - gồm Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Canada - tham gia cuộc tranh đấu "phản kháng" các chính sách thương mại gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo các quy định của WTO, nếu 60 ngày trôi qua mà quá trình tham vấn không giải quyết được các tranh chấp, Nga có thể yêu cầu WTO thành lập một Ban hội thẩm để giải quyết tranh chấp. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý đầy tốn kém và lâu dài, gần như chắc chắn phải mất nhiều năm để giải quyết.

Xem thêm >> Ông Trump lần đầu ‘trần tình’ về cuộc gặp của con trai và luật sư Nga

Tin mới lên