Tài chính quốc tế

Nga coi 'Báo cáo Kremlin' của Mỹ chỉ như ‘danh bạ điện thoại’

(VNF) – Ngay sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố "Báo cáo Kremlin", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev đã so sánh danh sách này chỉ như một "danh bạ điện thoại". Tuy nhiên Nga sẽ vẫn sẽ theo sát tình hình xung quanh "Báo cáo Kremlin" và sẽ đáp trả nếu cần thiết, tờ RT ngày 30/1 đưa tin.

Nga coi 'Báo cáo Kremlin' của Mỹ chỉ như ‘danh bạ điện thoại’

Hầu hết các quan chức cao cấp của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đều có tên trong "Báo cáo Kremlin".

Hầu hết các quan chức cao cấp của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đều bị "điểm mặt chỉ tên" trong "Báo cáo Kremlin" được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày hôm nay (30/1). Động thái này có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga.

Danh sách này bao gồm 114 chính trị gia, 96 doanh nhân Nga, như Thủ tướng Dmitry Medvedev, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, các trợ lý của Tổng thống Vladimir Putin là Vladislav Surkov, Yury Ushakov, Vladimir Kozhin và Andrei Fursenko.

Ngoài các quan chức chính phủ, nhiều doanh nhân Nga cũng bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách, trong đó có người đứng đầu ngân hàng hàng đầu của Nga Sberbank - ông German Gref và một vài doanh nhân khác như Abramovich, Abramov, Alekperov, Deripaska, Friman, Kaspersky và Lisin.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Frants Klintsevych cho rằng bản danh sách này là thêm một nỗ lực "hù dọa Nga", qua đó Mỹ đã vi phạm trắng trợn những nguyên tắc quan hệ song phương và khiến cho việc hợp tác thêm giữa Mỹ và Nga là bất khả thi.

Nga sẽ theo sát tình hình xung quanh "Báo cáo Kremlin" và sẽ đáp trả nếu cần thiết.

Về phần mình, ông Konstantin Kosachev so sánh danh sách này chỉ như một "danh bạ điện thoại", bao gồm tất cả các cơ cấu lãnh đạo của Nga. Tuy nhiên, ông Kosachev đánh giá chính sách cấm vận của Mỹ nhằm vào Nga mang tính chất "nghiêm trọng và lâu dài".

Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich tuyên bố nước này sẽ theo sát tình hình xung quanh "Báo cáo Kremlin" và sẽ đáp trả nếu cần thiết.

Bản báo cáo được thực hiện theo yêu cầu của đạo luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA), văn kiện do quốc hội thông qua mùa hè năm ngoái và được ông Trump ký thành luật ngày 2/8/2017.

Tuy nhiên, "nó không phải là danh sách trừng phạt và việc đưa các cá nhân, doanh nghiệp vào báo cáo này không nên bị coi là áp lệnh trừng phạt với họ", RT dẫn tài liệu viết. Báo cáo cũng thêm rằng nó không phải là lệnh cấm hay giới hạn bất cứ giao dịch nào của những người này với người Mỹ hoặc người nước ngoài".

Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, với bản danh sách này Washington muốn gây bất hòa giữa lãnh đạo Nga với giới doanh nghiệp, và rõ ràng đây là âm mưu chuẩn bị một hành động nào đó tác động đến cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Nga. Trước đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định các lệnh trừng phạt không phải là biện pháp có thể dọa được Nga.

Ngay trước khi danh sách được công bố, điện Kremlin cũng đã nhấn mạnh đây là một nỗ lực để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018 sắp tới. Theo Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov, các biện pháp trừng phạt đối với Nga là "đường đi đến hư không", vì Mátxcơva sẽ không bị đe dọa bởi các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, Mỹ ngày 26/1 đã công bố danh sách trừng phạt gồm 21 cá nhân, tất cả đều mang quốc tịch Nga hoặc Ukraine, và 9 công ty, trong đó phần lớn hoạt động trong lĩnh vực điện hoặc năng lượng. Thứ trưởng Năng lượng Nga Andrey Cherezov cũng bị liệt vào danh sách đen của Mỹ lần này.

> Phó giám đốc FBI ‘xin nghỉ phép cho tới ngày về hưu’

Tin mới lên