Tài chính quốc tế

Nga dọa rút khỏi WTO vì căng thẳng... thịt lợn

(VNF) – Nga có thể rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong trường hợp tổ chức này chấp thuận đơn kiện của Liên minh châu Âu (EU) về việc bắt Nga nộp phạt do hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ liên minh này, theo tuyên bố của Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Kinh tế Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Sergei Kalashnikov.

Nga dọa rút khỏi WTO vì căng thẳng... thịt lợn

Nga cấm nhập khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn từ các nước thành viên EU từ ngày 30/1/2014.

Trước đó, tờ Politico cho biết EU dự kiến trừng phạt Nga 1,39 tỷ euro/năm vì hạn chế nhập khẩu thịt lợn, và WTO đã gửi yêu cầu của Brussels đến Tòa án trọng tài. Mức yêu cầu bồi thường ngang bằng tổng giá trị xuất khẩu thịt lợn từ EU vào Nga năm 2013. Theo kế hoạch, mức phạt sẽ tăng 15% mỗi năm.

Phát biểu với báo giới, ông Kalashnikov nhấn mạnh rằng chính việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc WTO. Do đó, việc Nga áp đặt các biện pháp trả đũa hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ EU cũng hoàn toàn nằm ngoài lô-gích luật pháp liên quan đến WTO.

Ông Kalashnikov cảnh báo trong trường hợp đơn kiện của EU được chấp thuận, Nga sẽ phải hạn chế sự tham gia vào WTO, thậm chí có thể "ngừng tham gia hoàn toàn".

Ngày 30/1/2014 Nga tuyên bố cấm nhập khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn từ các nước thành viên EU sau khi phát hiện các trường hợp nhiễm virus sốt châu Phi (ASF) trong đàn lợn rừng tại Litva và Ba Lan. Lệnh cẩm này chỉ được gỡ bỏ cho tới khi nhận được giấy bảo đảm an toàn từ Ủy ban châu Âu (EC).

Phản ứng trước động thái này, EU đã yêu cầu Nga mở cửa lại thị trường cho các sản phẩm thịt lợn từ tất cả các nước EU, trừ Litva và Ba Lan. Tuy nhiên, yêu cầu này không được phía Nga đáp ứng.

Tới tháng 4/2014 EU lập tức gửi đơn lên WTO khởi kiện lệnh cấm này, cho rằng việc Nga cấm nhập khẩu thịt lợn từ châu Âu rõ ràng là hành động phân biệt đối xử trong thương mại, đi ngược lại các quy định của WTO.

Tháng 8/2016, Hội đồng Trọng tài WTO thừa nhận phần lớn lệnh cấm của Nga đi ngược lại các cam kết.

Nga kháng cáo lại quyết định này trong bối cảnh tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Ba Lan và các nước Baltic trở nên trầm trọng, trong khi đó những biện pháp mà EU sử dụng để trừ khử các ổ dịch bệnh lại không hiệu quả. Cuối tháng 2/2017, WTO đã bác bỏ kháng cáo của Nga.

Theo Ủy viên phụ trách y tế của EU Tonio Borg, lệnh cấm nhập khẩu của Nga đã gây ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp thịt lợn của châu Âu khiến EU không thể không hành động.

Hồi tháng 9/2017, Hội đồng Liên minh châu Âu mở rộng lệnh trừng phạt đối với 149 người và 38 pháp nhân Nga, cấm nhập cảnh vào Liên minh châu Âu và tài sản của họ bị đóng băng.

Theo báo cáo nghiên cứu kinh tế của Áo, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa EU và Nga từ đầu năm 2014 đã khiến xuất khẩu tính đến năm 2016 của EU sang thị trường Nga giảm 10,7%, tương đương thiệt hại 30 tỷ euro.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang thị trường Nga trong năm 2016 chỉ đạt mức 72 tỷ euro, khoảng 84 tỷ USD, giảm mạnh so với con số khoảng 140 tỷ USD trong năm 2013.

Trước khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, thương mại giữa các nước châu Âu với Moscow rất ổn định. Xuất khẩu của EU sang thị trường Nga tăng khoảng 23,5%/năm trong khoảng thời gian từ năm 2009-2012.

Mỗi năm Nga nhập khoảng 1/4 lượng thịt lợn xuất khẩu của EU, chủ yếu từ Hà Lan, Đức và Đan Mạch với tổng trị giá 1,4 tỷ euro. Do vậy, lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn hiện nay của Nga đang khiến ngành chăn nuôi thịt lợn ở EU thiệt hại khoảng 4 triệu euro/ngày.

> Nga tăng gấp đôi lượng dầu bán sang Trung Quốc, cạnh tranh với Mỹ

Tin mới lên