Tài chính quốc tế

Nga: Lãnh đạo đối lập Navalny lại kêu gọi biểu tình phản đối cải cách lương hưu

(VNF) - Vừa được trả tự do sau 1 tháng ngồi tù, lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny lại tiếp tục kêu gọi biểu tình nhằm phản đối dự luật cải cách lương hưu mới của Nga.

Nga: Lãnh đạo đối lập Navalny lại kêu gọi biểu tình phản đối cải cách lương hưu

Lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny.

"Tiền từ ngân sách đã hết và bây giờ chúng ta phải đánh cắp từ lương hưu để sống qua ngày", ông Alexei Navalny chia sẻ thông điệp kêu gọi biểu tình trên các trang mạng xã hội.

Được biết, ông Navalny kêu gọi biểu tình vào 14h ngày hôm nay (9/9, giờ địa phương), đúng vào ngày Nga tiến hành bầu cử địa phương cho các vị trí thống đốc, nghị sĩ, quan chức địa phương.

Phần lớn những cuộc biểu tình được lên kế hoạch trong ngày này đều không được chính quyền Nga phê duyệt vì vậy nếu các cuộc biểu tình vẫn diễn ra thì những người tham gia có thể bị bắt.

Ông Navalny vừa được trả tự do hôm 14/6 sau khi phải ngồi tù một tháng vì kêu gọi các cuộc biểu tình bất hợp pháp trước lễ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin

Một số người dân Nga lên tiếng chỉ trích dự luật cải cách lương hưu mới của chính phủ.

Với số phiếu ủng hộ áp đảo, kế hoạch tăng độ tuổi lao động ở Nga đã được Quốc hội Nga thông qua hồi tháng 7 vừa qua. Bộ Lao động Nga cho rằng hệ thống hưu trí cần phải điều chỉnh khi kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến.

Theo dự luật này, tuổi nghỉ hưu đối với nam giới sẽ tăng lên đến 65 tuổi vào năm 2028, còn tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sẽ tăng lên 63 tuổi vào năm 2034.

Theo Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, cải cách sẽ mang tới nguồn bổ sung cho quỹ lương hưu, chính phủ Nga cũng có thể điều chỉnh lương hưu cao hơn so với tỉ lệ lạm phát.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản đối của người dân Nga cho rằng nhiều người không sống được đến lúc nhận được tiền hưu trí. Hiện tuổi thọ trung bình của người dân Nga vào khoảng 65 đối với nam giới và 73 đối với nữ giới. Nhưng trên thực tế, chỉ có 3/4 đàn ông Nga sống qua tuổi 55.

Tổng Thống Nga V.Putin.

Phát biểu trên truyền hình vào chiều 29/8, ông Putin khẳng định, nhiệm vụ chính của dự luật về cải cách lương hưu là đảm bảo sự ổn định và vững chắc về tài chính của hệ thống lương hưu trong nhiều năm sắp tới. Có nghĩa là không chỉ duy trì, mà phải tăng thu nhập cho những người đang nghỉ hưu hiện nay và trong tương lai.

Theo ông Putin, để đạt được những mục đích này, bên cạnh hàng hoạt các biện pháp khác, cần xem xét việc tăng dần độ tuổi nghỉ hưu.

Ông Putin cũng nêu ra những khó khăn về tài chính để có thể tăng chi trả lương hưu, nếu vẫn giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu là nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi như hiện nay.

Tuy nhiên, ông cũng nêu quan điểm rằng tăng tuổi nghỉ hưu lên 8 năm đối với nữ như trong dự luật là chưa phù hợp. Việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ cần thận trọng, bởi vì phụ nữ không chỉ làm công việc ở cơ quan, mà còn việc nhà, gia đình, giáo dục con cái...

Bởi vậy, Tổng thống Nga Putin cho rằng, tuổi nghỉ hưu của phụ nữ không được cao hơn nam giới. Ông đề xuất, dự luật xem xét, chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với phụ nữ thêm 5 năm, có nghĩa là nghỉ hưu ở 60 tuổi, nam giới là 65 tuổi. Đối với những phụ nữ có từ hai con trở lên có thể được xem xét, nghỉ hưu trong độ tuổi từ 50-57.

Ông Alexei Navalny bị bắt hồi tháng 5 vì kêu gọi biểu tình bất hợp pháp trước lễ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Ông Alexei Navalny, 41 tuổi, là một luật sư nổi tiếng, từng tiến hành chiến dịch vận động chống tham nhũng, và dẫn đầu các cuộc biểu tình phản đối điện Kremlin năm 2011, sau kỳ bầu cử Quốc hội gây tranh cãi.

Ông đã nhiều lần bị bắt giữ vì tổ chức và tham gia biểu tình trái phép. Hồi tháng 1 mới đây, ông bị bắt khi chỉ đạo biểu tình chống chính phủ, kêu gọi người Nga tẩy chay bầu cử tổng thống.

Năm 2013, ông này bị một tòa án Nga kết án 5 năm tù vì cáo buộc lừa đảo chính quyền địa phương Kirov 16 triệu rúp (khoảng 500.000USD) trong một hợp đồng khai thác gỗ với tư cách cố vấn không thù lao cho nhà chức trách địa phương trong năm 2009. Tuy nhiên, Navalny luôn bác bỏ cáo buộc này, nói rằng ông bị kết án vì lý do chính trị.

Năm ngoái, ông Navalny ngồi tù 3 lần vì vi phạm quy định tổ chức biểu tình và phải tới Tây Ban Nha phẫu thuật sau một vụ tấn công đường phố khiến ông gần như bị mù một mắt.

Xem thêm >> Thặng dư thương mại Trung - Mỹ tăng cao kỷ lục, chiến tranh thương mại ‘nóng càng thêm nóng’

Tin mới lên