Tài chính quốc tế

Nga ‘lời qua tiếng lại’ với Hy Lạp về chuyện trục xuất các nhà ngoại giao

(VNF) - Hy Lạp mới đây đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga và cấm nhập cảnh đối với hai nhà ngoại giao khác cũng của nước này. Trước động thái này, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng.

Nga ‘lời qua tiếng lại’ với Hy Lạp về chuyện trục xuất các nhà ngoại giao

Nga ‘lời qua tiếng lại’ với Hy Lạp về chuyện trục xuất các nhà ngoại giao.

Tờ Kathimerini (Hy Lạp) ngày 11/7 dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết Hy Lạp đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga và cấm thêm hai nhà ngoại giao khác đi vào lãnh thổ nước này.

Lý giải cho quyết định này, Athen nói 4 người này đã có “các hoạt động bất hợp pháp và can thiệp làm suy yếu an ninh quốc gia”.

Tờ báo này còn cho rằng Nga đã có những nỗ lực để can thiệp vào các vấn đề quốc gia đặc biệt nhạy cảm và liên quan đến lợi ích của Hy Lạp ở Balkans, đặc biệt là đối với vấn đề đổi tên Macedonia.

Tuy nhiên, tờ Kathimerini cũng khẳng định rằng Athens luôn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga nhưng điều này chỉ có thể thực hiện trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền và nền độc lập giữa hai nước.

“Các nguồn tin ngoại giao nhấn mạnh rằng quyết định trên của Athen chỉ áp dụng riêng cho hành động của bốn người Nga nói trên, và không ảnh hướng tới mối quan hệ tốt đẹp của Hy Lạp đối với Nga”, bài báo viết.

Trước động thái trục xuất các nhà ngoại giao Nga của Hy Lạp, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết Nga sẽ có động thái đáp trả tương xứng đối với việc này.

Nằm ở mép cực nam của châu Âu, Hy Lạp được coi là một phần của phuơng Tây kể từ khi gia nhập NATO vào năm 1952.

Nhưng phải đến năm 2007, khi Bulgaria gia nhập NATO và EU, nuớc này mới có biên giới đất liền với một quốc gia phuơng Tây. Ngay cả lịch sử hiện đại của Hy Lạp cũng có mối liên hệ khá đặc biệt với Nga. Nguời sáng lập ra nhà nuớc Hy Lạp hiện đại trong những năm 1830, nhà quý tộc Hy Lạp Ioannis Kapodistrias, đã từng là Ngoại truởng của nuớc Nga thời Sa hoàng.

Ngoài ra, Hy Lạp và Nga còn rất nhiều ràng buộc về tôn giáo và văn hóa từ nhiều thế kỷ Kito giáo Chính thống. Ngay cả bảng chữ cái Cyrillic của Nga cũng được phát triển từ những truyền giáo bằng tiếng Hy Lạp từ thế kỷ thứ 9.

Với những mối quan hệ gắn bó đó nên từ lâu các nhà trí thức Hy Lạp đã luôn tìm cách thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn mới Nga.

Hy Lạp là một trong những nước châu Âu ít ỏi không hùa theo làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao Nga hồi tháng 3. Tuy nhiên, sự việc lần này có thể sẽ làm “rạn nứt” mối quan hệ hữu hảo giữa Nga và Hy Lạp.

Xem thêm >> Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối ‘quyền bá chủ thương mại’ của Mỹ

Tin mới lên