Tiêu điểm

Ngại khởi động làm ăn trong 'tháng cô hồn', lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh

(VNF) - Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), so với các tháng trước, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới vào tháng 9 (trùng với tháng 7 Âm lịch) giảm đi đáng kể.

Ngại khởi động làm ăn trong 'tháng cô hồn', lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh

Trong tháng 9, số lượng DN tạm dừng hoạt động tăng trong khi DN thành lập mới giảm mạnh

94.000 doanh nghiệp thành lập trong 3 quý đầu năm

Số liệu từ Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm gần 94.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 900.000 tỷ đồng, tăng 15,4% về lượng và 43,5% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng vốn bình quân đạt 9,6 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Tuy nhiên trong tháng 9, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, sau khi duy trì quanh mức rất cao là 12.000 doanh nghiệp mỗi tháng từ tháng 3 tới tháng 8, đã giảm đi đáng kể, xuống mức 8.610 doanh nghiệp.

Lượng vốn và số lao động đăng ký mới cũng giảm đi làn lượt là 38,7% và 37% so với tháng 8, trong khi lượng DN tạm dừng hoạt động tăng 17,6% trong tháng.


Số lượng DN đăng ký mới sụt giảm mạnh trong tháng 9/2017. Nguồn: TCTK

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tình trạng này một phần là do quan niệm lo ngại của người dân về sự kém may mắn khi khởi sự kinh doanh trong tháng 7 Âm lịch, trùng với tháng 9 Dương lịch năm nay.

Tính chung cả quý, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 6,1% so với quý trước tuy nhiên cao hơn 21,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Các ngành nghề có số lượng doanh nghiệp đăng ký mới cao nhất trong quý là bán buôn, bán lẻ (12,4 nghìn doanh nghiệp), công nghiệp chế biến, chế tạo (3,9 nghìn doanh nghiệp) và xây dựng (3,7 nghìn doanh nghiệp). Đồng thời, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động giảm đi tương ứng là 22,9% so với quý trước và 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Quy mô việc làm tạo mới trong quý 3 giảm đi 22,8% so với quý trước và 8,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 259,2 nghìn người. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm đi 4,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Kinh tế tư nhân chưa "khởi sắc"

Không chỉ suy giảm trong việc làm mới, số lượng lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp cũng có xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng số lượng lao động tại thời điểm 01/09/2017 đạt 4,6 % so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên thấp hơn đáng kể so với năm 2015. Lao động trong các ngành công nghiệp, trừ ngành chế biến chế tạo, đều giảm đi so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng khu vực ngoài nhà nước chỉ đạt 1,6% trong 9 tháng đầu năm 2017. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực nhà nước giảm 3,6% và khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 1,6%.

Thực tế này cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa được cải thiện và kinh tế tư nhân chưa phải là động lực của nên kinh tế.

Trong bối cảnh đó, vào tháng 6, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành; và vào đầu tháng 10, thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này.

Cụ thể, chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định điều chỉnh giảm 0,25%/năm đối với các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay trên nhiều khu vực, ngành kinh tế, có hiệu lực từ 10/07/2017.

Theo đó, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh mức lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn và giảm chi phí vay vồn, từ đó thúc đẩy sản xuất và kinh doanh.

Tin mới lên