Ngân hàng

Ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng 'chi đậm' cho nhân viên

Khoảng 1 tháng gần đây, thị trường tài chính tiền tệ đón nhận bức tranh gam màu tươi sáng về lợi nhuận kinh doanh của ngành ngân hàng. Cùng với việc công bố lãi nghìn tỷ đồng, dữ liệu từ báo cáo tài chính của nhiều nhà băng còn tiết lộ mức "chi đậm" lương, thưởng cho nhân viên.

Ngân hàng lãi nghìn tỷ đồng 'chi đậm' cho nhân viên

Ảnh minh họa.

Lãi "khủng" nhờ phân khúc nào?

Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 23 ngân hàng công bố đến thời điểm này cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế các ngân hàng này đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Vẫn ở vị trí dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống như ở năm trước, Vietcombank tiếp tục tăng trưởng tốt, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ 2016 và thực hiện 81% kế hoạch 2017. Theo sát là VietinBank với kết quả lợi nhuận đạt hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Với trường hợp của Vietcombank, mảng bán lẻ được coi như "chân kiềng" lợi nhuận của ngân hàng này. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý III/2017 tăng so với quý III/2016 là 507 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 31%. Một số khoản mục gây biến động lợi nhuận gồm: thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 13,07%; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 5,74%; tăng thu nhập từ các hoạt động khác là 13,025.

Xét về tỷ trọng nguồn thu từ phi lãi so với nguồn thu từ lãi (tín dụng), Vietcombank đứng đầu hệ thống. Kế tiếp là các ngân hàng khác trong nhóm Ngân hàng Nhà nước chi phối vốn là VietinBank, BIDV, Agribank.

Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, bức tranh với gam màu tươi sáng về kinh doanh của ngành ngân hàng cũng đã hé lộ những phân khúc đem lại lợi nhuận lớn cho ngành này.

Trong nhóm này, VPBank tiếp tục tỏa sáng khi tạm vươn lên vị trí thứ 3 toàn hệ thống, vượt qua cả "ông lớn" BIDV với con số tuyệt đối 5,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong số này, lợi nhuận của riêng ngân hàng là 4,4 nghìn tỷ còn lại đến từ công ty tài chính tiêu dùng.

Hay như tại báo cáo tài chính quý III/2017 của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho thấy, lợi nhuận trước thuế hết 9 tháng của ngân hàng đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn con số cả năm 2016.

Mức lợi nhuận này mà ngân hàng có được chủ yếu vẫn là nhờ thu nhập từ lãi, tức là hoạt động tín dụng với tổng cộng gần 8.000 tỷ thu về trong 9 tháng qua. Với hơn 176.000 tỷ đồng cho vay, tăng trưởng 17% so với đầu năm, cơ cấu dư nợ của MB có xấp xỉ một nửa tổng tín dụng là các khoản vay ngắn hạn.

Đối tượng khách hàng của MB chủ yếu là các doanh nghiệp (gần 65%), trong khi cá nhân chỉ chiếm 32,67%. Trong các lĩnh vực cho vay thì vay tiêu dùng phục vụ các hoạt động trong hộ gia đình chiếm tỷ trọng cao nhất với 24,93%. Và đáng chú ý hoạt động cho vay xây dựng và kinh doanh bất động sản của MB cũng chiếm tỷ trọng khá cao, tổng cộng hơn 14% trên tổng dư nợ.

Mấy ngày gần đây, thị trường tài chính xôn xao về mức lãi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Tại thời điểm 30/9, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt hơn 1.330 tỷ đồng, tăng hơn 68,78% so với cùng kỳ 2016 do tăng trưởng mạnh về các hoạt động dịch vụ khác, đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm Bancassurance.

Hay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), báo cáo tài chính quý III cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt 523 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế là 419 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.433 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.125 tỷ đồng. Điều này cho thấy tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng này khá cao, nếu tính đơn thuần thì đạt 18% trên vốn điều lệ.

Nhìn vào báo cáo tài chính mà các ngân hàng vừa công bố cho thấy sự khác biệt về cơ cấu nguồn thu đã có sự đa dạng thay vì dựa vào nguồn thu từ lãi so với mọi năm.

Mạnh tay "chi đậm" cho nhân viên

Cùng với những thông số về các khoản lãi từ hoạt động kinh doanh, nhiều ngân hàng cũng mạnh tay "chi đậm" cho nhân viên.

Điển hình tại MB, với lợi nhuận trước thuế hết 9 tháng của ngân hàng đạt hơn 4.000 tỷ đồng, thu nhập của cán bộ nhân viện ngân hàng này cũng tăng khá nhiều. So với cùng kỳ năm 2016, lương bình quân của người lao động MB đã tăng thêm gần 2,1 triệu đồng/người tức khoảng 19%, trong khi thu nhập tăng thêm gần 5,4 triệu đồng/người/tháng, tương đương tăng đến 30%.

Trong khi đó, số lao động bình quân 9 tháng qua tại đây là 7.938 người, tính ra lương bình quân của nhân viên là 13 triệu đồng/tháng, nhưng thu nhập bình quân cao hơn gần gấp đôi, ở mức trung bình 23 triệu đồng/tháng.

Hay như tại Sacombank, 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt 847,66 tỷ đồng, gấp gần 5,5 lần cùng kỳ và hoàn thành vượt 55,9% kế hoạch cả năm (585 tỷ đồng).

Với kết quả trên, trong dự thảo nghị quyết hội đồng quản trị gửi đến cổ đông, Sacombank đề xuất trích 20% đối với phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 để thưởng cho tập thể cán bộ nhân viên.

Chính sách trên được Sacombank giải thích nhằm khuyến khích tập thể cán bộ nhân viên ra sức phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2017 và tạo đà phát triển trong năm 2018.

Và không chỉ mạnh tay chi lương thưởng, nhiều ngân hàng còn lên kế hoạch tuyển quân với số lượng đáng kể. Trong đó, VPBank đã tuyển tới gần 5.200 người mới, nếu tính nguyên số này đã gấp 5 lần quy mô nhân sự của một vài ngân hàng nhỏ. Đây cũng là ngân hàng mạnh tay tuyển dụng nhân sự trong 2-3 năm trở lại đây.

Những ngân hàng như MB, Sacombank, LienVietPostBank đều tuyển mới trên 1.000 nhân sự; TPbank, Techcombank,Vietcombank, VIB.... tuyển mới hàng trăm nhân sự.

Tin mới lên