Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước chấp nhận VND mất giá ít nhất 2% để giữ môi trường lãi suất thấp?

(VNF) - "Theo chúng tôi, hành động ngừng can thiệp tỷ giá cho thấy Ngân hàng Nhà nước dường như 'chấp nhận' mức mất giá ít nhất 2% của tỷ giá giao dịch trong năm 2018 để giữ môi trường lãi suất thấp", Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.

Ngân hàng Nhà nước chấp nhận VND mất giá ít nhất 2% để giữ môi trường lãi suất thấp?

Ngân hàng Nhà nước dường như 'chấp nhận' mức mất giá ít nhất 2% của tỷ giá giao dịch trong năm 2018 để giữ môi trường lãi suất thấp.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã công bố báo cáo phân tích vĩ mô với nhiều góc nhìn đáng chú ý.

Về tăng trưởng tín dụng, VDSC cho hay đang có ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng tín dụng chậm lại trong năm 2018. Hơn nữa, ngay cả mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% được đặt ra hồi đầu năm cũng khó có thể hoàn thành.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 6,4%, thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước đó. Theo VDSC, trong cả năm 2018, tăng trưởng tín dụng có thể ở mức 15%-16%, bước đầu trong việc giảm nới lỏng chính sách tiền tệ.

Những biến động trên quy mô toàn cầu, bao gồm cả việc thắt chặt chính sách tiền tệ, đang tạo sức ép rất lớn lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

"Nếu như Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE) trước khi bình thường hóa chính sách tiền tệ thông qua tăng lãi suất và bán chứng khoán thì tại Việt Nam, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trước khi chúng ta ghi nhận đợt tăng lãi suất đầu tiên", VDSC nêu quan điểm.

Rủi ro lớn nhất với chính sách điều hành tiền tệ hiện tại, theo VDSC, liên quan tới sự "hồi phục" của lạm phát do giá thịt heo và giá xăng dầu.

"Trong khi mức chênh lệch giữa lãi suất đầu ra và lãi suất đầu vào của hệ thống ngân hàng Việt Nam rất thấp, khoảng 2,2%-2,4%, so với Trung Quốc (~3%) và Indonesia (2,8%-3%), thì bất cứ sự bùng phát lạm phát ngoài mong muốn nào cũng sẽ tác động trực tiếp tới diễn biến lãi suất", VDSC nhấn mạnh.

Nhận thức được điều này, Chính phủ đã thực hiện “chính sách 3 không”, gồm không tăng giá điện, không tăng giá thuế bảo vệ môi trường áp lên giá xăng dầu và không tăng viện phí liên tục.

VDSC tin rằng lạm phát năm 2018 vẫn nằm trong kiểm soát, quanh mục tiêu 4%. Tuy nhiên, liệu rủi ro này có trở nên nguy hiểm hay không phụ thuộc rất lớn vào biến động trên thị trường quốc tế. VDSC dẫn ví dụ, liên quan tới giá xăng dầu, theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nếu giá dầu thô bình quân 2018 đạt 65 USD/thùng, lạm phát của Việt Nam sẽ lên ở mức 4%-4,1%.

Tuần vừa qua, NHNN đã quyết định tạm ngừng can thiệp tỷ giá. Hiện tại, tỷ giá giao dịch tại ngân hàng đã tăng 2,3% từ đầu năm. 

"Theo chúng tôi, hành động ngừng can thiệp tỷ giá cho thấy NHNN dường như 'chấp nhận' mức mất giá ít nhất 2% của tỷ giá giao dịch trong năm 2018 để giữ môi trường lãi suất thấp", VDSC nhận định.

Vẫn theo VDSC, việc tiền đồng mất giá 2%-3% có thể vẫn chưa tạo ra những bất ổn lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, rõ ràng NHNN đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức để đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định.

Tin mới lên