Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận hoạt động thanh tra, giám sát còn hạn chế

(VNF) – Sau khi bị Thanh tra Chính phủ nêu lên một loạt vi phạm trong công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, Ngân hàng Nhà nước đã có phản hồi chính thức.

Ngân hàng Nhà nước thừa nhận hoạt động thanh tra, giám sát còn hạn chế

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng sau Kết luận của Thanh tra Chính phủ

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này với các giải pháp và lộ trình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng.

Để tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254), Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Đề án 843).

Bên cạnh các kết quả đạt được, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận trong thời gian qua, hoạt động thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Có thể kể đến như: khuôn khổ pháp lý, pháp quy về thanh tra, giám sát ngân hàng, an toàn hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ và đồng bộ; khả năng phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế;

Chất lượng, số lượng, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng còn một số tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng; hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn chưa đáp ứng được yêu cầu và chuẩn mực quốc tế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn bất cập.

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém này, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị "Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020".

Theo đó, ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án (Đề án 1058). Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ triển khai các giải pháp và lộ trình được nêu trong Đề án 1058 một cách tích cực, chủ động, trách nhiệm và đúng pháp luật.

Một là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy về thanh tra, giám sát ngân hàng, an toàn hoạt động ngân hàng để đảm bảo đầy đủ và đồng bộ. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng để hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Hai là tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng;

Ba là nâng cao khả năng cảnh báo sớm của Ngân hàng Nhà nước đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngành Ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Bốn là nâng cao chất lượng, số lượng và năng lực, đạo đức thực thi công vụ của đội ngũ thanh tra, giám sát ngành ngân hàng để đáp ứng với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính-ngân hàng trong bối cảnh mới.

Năm là đổi mới công tác giám sát theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô trên cơ sở triển khai các công cụ, phương pháp giám sát rủi ro mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác giám sát phải gắn chặt với công tác thanh tra, cấp phép và ban hành chế độ, chính sách;

Sáu là đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân tổ chức tín dụng, phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng; kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng, tiến tới áp dụng phương pháp dựa trên cơ sở rủi ro theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế;

Bảy là đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với tình hình mới;

Tám là tăng cường công tác giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định; Thực hiện giám sát rủi ro ngân hàng, phân tích, đo lường rủi ro để từ đó cảnh báo sớm các rủi ro, nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động;

Cuối cùng là giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đề xuất các giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Tin mới lên