Ngân hàng

Ngân hàng xắn tay kéo Fintech

(VNF) - Diễn đàn Fintech 2018 tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 29 và 30/5, gây chú ý đặc biệt khi lần đầu tiên, 7 ngân hàng thương mại đỡ đầu cho các dự án Fintech. Có thể đây là sự mở đầu cho mối quan hệ chia sẻ lợi ích sau một thời gian dài ngân hàng ngoảnh mặt với Fintech.

Ngân hàng xắn tay kéo Fintech

Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam khá lâu nhưng trong tiềm thức không ít ngân hàng, Fintech là những ý tưởng viển vông và nếu có khả thi, sẽ giành bớt “miếng cơm manh áo”. Và cho dù Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo Fintech (tháng 3/2017) để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính nhưng mối quan hệ này vẫn nhích chậm từng bước.

Điều này lý giải một phần câu chuyện, số doanh nghiệp Fintech thành lập mới thì hàng trăm nhưng số trụ vững đến thời điểm này chỉ loanh quanh 80 đơn vị. Chưa kể, giàu ý tưởng nhưng thiếu nguồn lực tài chính, ít kinh nghiệm quản trị cũng là lý do khiến cho các giải pháp về Fintech ở Việt Nam chỉ có thể phát triển trong lĩnh vực thanh toán, còn hầu hết các lĩnh vực khác đều chết yểu.

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nói:

"Câu chuyện gần như cốt lõi của Fintech hiện nay là sự hợp tác với ngân hàng hay nói cách khác: Fintech là cánh tay nối dài của ngân hàng. Không ít lo ngại Fintech cạnh tranh và lấy mất thị phần của ngân hàng  nhưng đến nay, không hoàn toàn thế. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Fintech trong giai đoạn đầu thường đi vào các dịch vụ nhỏ của ngân hàng. Tuy nhiên, khi phát triển đến một mức độ nào đó (chẳng hạn Alibaba), họ sẽ gộp tất cả dịch vụ nhỏ thành những gói lớn".

- Thưa ông, các Fintech Việt Nam đã lớn đủ mức để khiến ngân hàng e ngại mất thị phần?

Ông Nghiêm Thanh Sơn: Trên thế giới, những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng thì có Google, Facebook; ở Trung Quốc có Amazon, Alibaba nhưng ở Việt Nam thì quy mô các công ty vẫn còn nhỏ. Nên, xác  định đó có phải đối thủ cạnh tranh với ngân hàng hay chưa thì tôi chưa thấy.

Những khảo sát trên thế giới cho thấy, số doanh nghiệp Fintech phá sản rất nhiều và nếu không kết hợp với ngân hàng thì rất khó tồn tại. Ngân hàng có nhiều điểm mạnh nhưng cũng nhiều điểm yếu, Fintech cũng vậy.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

Điểm yếu ngân hàng là hệ thống công nghệ thông tin cũ, core banking đầu tư đã hàng chục năm. Với mạng lưới rộng lớn, phủ khắp nơi, mỗi khi thay đổi công nghệ, phải tốn kém thời gian, công sức và cả tiền của. Trong khi đó, để giải quyết vấn đề này thì Fintech luôn đưa ra những giải pháp linh hoạt, nhanh gọn, khả năng tích hợp tốt. Chẳng có lý do gì để ngân hàng không tận dụng lợi thế này. Ngược lại, khi kết hợp với nhau, Fintech lại có khách hàng là ngân hàng.

Nhưng Fintech cũng có điểm yếu, đó là khả năng tổ chức không chuyên nghiệp, phần lớn là các bạn trẻ. Đây là điều khác biệt so với ngân hàng do trong bộ máy luôn có đội tuân thủ pháp lý, kỷ luật chặt chẽ, nhiều quy định. Ngân hàng sẽ hỗ trợ họ ở điểm này.

Khi kết hợp với Fintech, ngân hàng sẽ tiết kiệm chi phí, tận dụng khả năng công nghệ đáp ứng nhu cầu dịch vụ sản phẩm ngày càng cao của thị trường; thay vì tự mình đầu tư mới cả chất xám lẫn hạ tầng. Đồng thời, Fintech cũng được nhờ cậy ngân hàng quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp, nền tảng khách hàng rộng lớn. Còn người dùng được lợi ở chỗ tiện ích, hiệu quả, chi phí có xu hướng càng ngày càng thấp.

- Hiện tại, đã có những ngân hàng nào “mở lòng” với Fintech thông qua triển khai các dự án thí điểm, thưa ông?

Rất thú vị khi gần đây, các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank và một số ngân hàng cổ phần như TPBank, VPBank tích cực nhập cuộc hỗ trợ Fintech. Họ đào tạo các Fintech hiểu hơn về lĩnh vực tài chính và áp dụng các ý tưởng, giải pháp công nghệ vào dịch vụ ngân hàng.

Cùng đó, ngân hàng hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp Fintech. Ví dụ, VietinBank kết hợp khả thi với 2 công ty Fintech dùng công nghệ sinh trắc học quét trên mạng để mua nước từ máy bán hàng tự động.

Ngân hàng đã nhìn thấy lợi ích từ sự kết hợp trên và sẵn sàng đầu tư tài chính, công sức vào đó. Cùng kéo nhau đi lên là những gì tôi cảm nhận từ mối quan hệ hợp tác nói trên.

- Xét về phương diện phổ cập tài chính toàn diện, Fintech có ý nghĩa như thế nào?

Fintech có thể coi là cánh tay nối dài của ngân hàng. Bởi hiện nay, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh khá phổ biến, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi khá ít chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng.

Do vậy, trên nền tảng điện thoại di động thông minh, có thể tích hợp một số dịch vụ ngân hàng hiện đại. Nhờ đó, góp phần phổ cập dịch vụ toàn diện đến người dùng như thanh toán, chi trả, thu chi hộ…

Ví dụ, lao động nông thôn đi xuất khẩu lao động có thể gửi tiền về cho người thân ở quê khá dễ dàng và người thân có thể sử dụng số tiền đó để gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm.

- Ngân hàng Nhà nước đang ở đâu trong mối quan hệ với hệ sinh thái Fintech và đưa Fintech vào hệ thống tổ chức tín dụng, thưa ông?

Ngân hàng Nhà nước với vai trò quản lý, ban hành khung khổ pháp lý, tạo các diễn đàn quy tụ các tay chơi từ các nước giỏi về Fintech như Mỹ, Trung Quốc giao lưu với giới Fintech Việt Nam. Thông qua đó, chúng tôi muốn các ngân hàng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với Fintech Việt Nam, sao cho cả hai cùng phát triển.

Có thể nói, Ngân hàng Nhà nước đang góp phần tích cực vào việc tạo ra những vườn ươm Fintech. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox Framework) cho phép các doanh nghiệp/ dự án khởi nghiệp Fintech thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, sáng tạo trong phạm vi nhất định, có thời hạn trên cơ sở giám sát từ cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank: "Fintech sẽ thu thập các dữ liệu khách hàng từ nhiều nguồn".

"Chúng tôi nhận thấy vấn đề doanh nghiệp khó vay vốn là do các ngân hàng cho vay dựa vào tài sản bảo đảm; trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn không đáp ứng tiêu chí này. Hồ sơ báo cáo của của họ cũng không chuẩn hoá theo quy định. Do vậy, đứng trước hồ sơ vay, ngân hàng phải bỏ thời gian chuẩn hoá lại hồ sơ, trong nhiều trường hợp phải từ chối.

Từ thực tế này, để không bỏ sót các ý tưởng và dự án kinh doanh khả thi nhưng thiếu các yếu tố kể trên, chúng tôi đã tìm đến Fintech. Fintech sẽ thu thập các dữ liệu khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng các bộ chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp như: kế toán, thuế. Từ đó, ngân hàng sẽ phân tích dữ liệu thuế, bảo hiểm, kế toán nhằm tìm ra bức tranh tổng quát nhất về khách hàng và tìm kiếm đối tác vay vốn tín chấp phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng".

Ông Trần Hữu Đức, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Fintech (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam): "Nếu có đỡ đầu, Fintech sẽ tiến xa hơn".

"Các ngân hàng từng ít quan tâm đến Fintech, thậm chí, nghe chỉ để cho biết. Vì vậy, chúng tôi đưa ra ý tưởng tổ chức cuộc thi “Thử thách Sáng tạo cùng Công nghệ Tài chính Việt Nam (FCV) năm 2017-2018”. Đây được coi là cơ hội để giới Fintech cho ngân hàng biết mình là ai, có ích gì với ngân hàng; còn ngân hàng cũng có điều kiện trình bày công nghệ.

So với mặt bằng Fintech của thế giới và khu vực, Fintech Việt Nam còn ở mức thấp, xét trên các mặt trình độ, kinh nghiệm, vốn.

Đầu tư khởi nghiệp rất rủi ro, đi từ ý tưởng, nuôi dưỡng, chấp nhận thất bại và đó là quá trình dai dẳng, đòi hỏi kiên trì. Chúng tôi đang dự định triển khai mô hình “vườn ươm Fintech” và nếu tìm được những tổ chức đỡ đầu thì mới có thể tính đến chuyện đưa Fintech tiến xa hơn".

Tin mới lên