Ngân hàng

5.000 người trưởng thành có 1 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng

(VNF) – Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng; đồng thời, cứ 5.000 người trưởng thành lại có ít nhất 1 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng thương mại.

5.000 người trưởng thành có 1 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng

Cứ 5.000 người trưởng thành sẽ lại có 1 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế với mục tiêu của đề án là đến năm 2020, 70% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng.

Nếu coi người trưởng thành có độ tuổi từ 20 tuổi trở lên thì Việt Nam hiện có khoảng 63 triệu người trưởng thành. Với tốc độ gia tăng dân số khoảng 1%/năm như hiện nay thì đến năm 2020, số lượng người trưởng thành tại Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 65,5 triệu người. Như vậy, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng gần 46 triệu người có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng.

Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 dân số trưởng thành, nghĩa là cứ mỗi 5.000 người trưởng thành thì sẽ có ít nhất 1 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng.

Đồng thời, đến năm 2020, Việt Nam cũng sẽ có khoảng 35% - 40% số người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, khoảng 50 – 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Để làm được điều này, Nhà nước phải tạo lập khung khổ hành lang pháp lý thông thoáng, gắn liền với quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Nguyên tắc là phải tôn trọng thị trường, bình đẳng, thuận lợi, tạo cơ hội cho cả phía tổ chức cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ.

Vừa qua, một loạt các sự cố "mất tiền" tại một loạt các ngân hàng như: Vietcombank, VPBank, ANZ, SCB được phát hiện liên tiếp làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín ngân hàng và là lực cản nhất định đối với tiến trình nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, khách quan mà nói thì các vụ "mất tiền" này chỉ là trường hợp hy hữu và là lời cảnh tỉnh cho hệ thống ngân hàng để hoàn thiện tốt hơn hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp.

Tin mới lên