Ngân hàng

ANZ: Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế Trung Quốc

(VNF) - Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng ANZ, trong khi Singapore là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đà suy giảm kinh tế Trung Quốc thì Việt Nam và Philippines lại là quốc gia ít bị tác động nhất.

ANZ: Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế Trung Quốc

Tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc những năm qua đã trở thành động lực phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua nhu cầu hàng hóa lớn từ nước này. Tuy nhiên, hiện nay, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang trở thành một chướng ngại vật đối tăng trưởng các quốc gia khác.

Trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Singapore có thể được xem là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ suy giảm kinh tế Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc giảm 1% thì tăng trưởng của Singapore sẽ mất 1,4%, theo ước tính từ Ngân hàng ANZ. Nguyên nhân là do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Singapore, chiếm gần 15% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Trong khi đó, trong một báo cáo mới đây, Glenn Maguire - Kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ - Malaysia, Philippines và Việt Nam là những nước sẽ ít bị ảnh hưởng bởi đà tăng trưởng chậm của Trung Quốc. Kết quả này có được từ việc đánh giá chỉ số nhạy cảm dựa trên dữ liệu kinh tế trong một thập kỷ qua.

Chỉ số đo mức độ nhạy cảm của các nền kinh tế trong khu vực Đông Namm Á với kinh tế Trung Quốc dựa trên số liệu hơn một thập kỷ qua. Singapore là quốc gia có độ nhạy cảm cao nhất trong khi chỉ số này của Việt Nam và Philippines là thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nguồn: Nghiên cứu của Ngân hàng ANZ

Theo ước tính của ANZ, cứ mỗi điểm phần trăm giảm xuống của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và Philippines bị giảm 0,2% mỗi nước, với Indonesia là 0,3%, Thái Lan là 0,4%, và Malaysia là 0,5%.

"Với tỷ lệ hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm một tỷ lệ lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực, Singapore có độ nhạy cao nhất", Maguire cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Để tăng năng suất và tốc độ tăng trưởng kinh tế, Singapore cần duy trì chất lượng thị trường chứng khoán, thu hút các công nghệ hiện đại nhất và tập trung vào mặt hàng giá trị gia tăng cao hơn", ông Maguire nhận định.

Theo dự báo gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, giảm so với ước tính 6,9% trước đó trong năm 2015. Các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lan sang các thị trường tài chính khác, khi Ngân hàng Trung ương nước này trong tuần qua đã hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ 2011, khiến thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, phải đóng cửa sớm hai lần trong một tuần.

Nền kinh tế ưu tiên xuất khẩu của Singapore đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy giảm kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế Singapore đạt là 2,1% trong năm 2015 - tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong  vòng sáu năm qua.

Tin mới lên