Ngân hàng

Áp lực tỷ giá vẫn còn rất lớn

(VNF) - Việc đồng nhân dân tệ mất giá lên tới 4,5%, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải quyết định nới tỷ giá lên 3% là cú sốc lớn, làm trao đảo thị trường tài chính trong nước. Với biên độ tỷ giá trên, mức trần được xác định là 22.547 VND/USD, còn giá giao dịch tự do đã vượt qua ngưỡng này.

Áp lực tỷ giá vẫn còn rất lớn

Tránh đầu cơ ngoại tệ

Theo phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, với mức điều chỉnh vừa qua là đã rất mạnh rồi và NHNN đã lường đón trước những biến động kể cả biến động phá giá đồng NDT và khả năng Fed điều chỉnh tăng lãi suất. Việc điều chỉnh tỷ giá là lường trước mọi tình khó khăn, tạo ra vị thế cạnh tranh của đồng Việt Nam ở mức linh hoạt, để đáp ứng với những diễn biến của thị trường.

Theo nhận định của NHNN, thị trường tỷ giá biến động chủ yếu do tâm lý và có cả yếu tố tin đồn để đầu cơ, trục lợi. Cho nên, NHNN sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, tỷ giá sẽ khó điều chỉnh đến hết quý 1 năm sau. NHNN điều chỉnh cả biên độ và tỷ giá nhằm để ứng phó với việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, đồng thời để ứng phó với những biến động có thể xảy ra như việc FED có thể điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới đây. NHNN đã cân nhắc rất kỹ nên mới quyết định điều một mức tương đối lớn để tồn tại trong một thời gian dài.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, thì nhận định: Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá lần này là hợp lý, mang lại những hiệu quả tích cực, làm hạ nhiệt thị trường ngoại hối. Do thị trường căng thẳng, NHNN đã phải bán ngoại tệ để ổn định thị trường. Việc này dẫn đến nguy cơ hao hụt quỹ dự trữ ngoại hối và rủi ro về thanh khoản. Cho nên, việc tăng tỷ giá vừa giúp ổn định thị trường, vừa giúp bảo toàn quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Vì vậy, sự điều chỉnh tỷ giá của NHNN là cần thiết để giúp thị trường lấy lại cân bằng. Tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ xuất khẩu vì hàng Việt Nam bán ra khi đó sẽ rẻ hơn trước. Đồng thời cũng sẽ khuyến khích giảm nhập khẩu (vì khi đó giá hàng nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn). Từ đó, nhập siêu sẽ có khả năng giảm.

Tuy nhiên, khi tỷ giá tăng, nợ công sẽ rất đáng lo. Trước khi tỷ giá tăng, nợ công ở nước ta đã ở mức độ đáng lo, tỷ giá tăng càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Thực tế, ảnh hưởng từ sự phá giá đồng nhân nhân tệ khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu trong nước bị đảo lộn và có thể sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát và gia tăng nợ công. NHNN đã đưa ra quyết định nới biên độ tỷ giá để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Hàng hóa của Trung Quốc đã rất rẻ, nay sẽ rẻ hơn, nên họ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và sẽ xâm nhập, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam. Việc nới rộng biên độ lần này đã đáp ứng mọi sức ép của thị trường, thúc đẩy xuất khẩu đặc biệt từ xuất khẩu nông sản.

Động thái của NHNN là quyết định hợp lý, và đảm bảo không bị nhập siêu hơn nữa. NHNN vẫn cần tiếp tục theo dõi để điều chỉnh để phù hợp với biến động của tỷ giá trên thế giới.

Áp lực vẫn rất lớn

Theo các chuyên gia, áp lực tỷ giá vẫn còn rất lớn khi sắp tới, Mỹ có thể tăng lãi suất và nhân dân tệ còn mất giá thêm nữa là những yếu tố tác động mạnh tới tỷ giá. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, tỷ giá có thể tăng thêm 1% nếu điều hành tốt. Trường hợp diễn biến bất thường và hoàn toàn bị động thì tỷ giá có thể tăng thêm 3%.

Nếu đồng USD mạnh lên và đồng nhân dân tệ khả năng sẽ phá giá tiếp, cộng với nhu cầu đầu tư của Chính phủ tăng cao nhằm tạo động lực phát triển kinh tế; trong khi đó, các ngân hàng thương mại là đối tượng chính mua trái phiếu chính phủ lại đang giảm về số lượng trong quá trình tái cơ cấu và giảm nhu cầu mua. Do vậy, nhu cầu cung tiền ra nhằm đáp ứng việc đầu tư, phát triển kinh tế sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

Ông Hiển phân tích, để giải tỏa phần nào những áp lực trên, Việt Nam hiện giờ trông chờ vào các nguồn cung USD từ kênh đầu tư tài chính và kiều hối. Ngoài ra, nếu Chính phủ có những kênh huy động vốn ngoại tệ tốt thì cũng sẽ góp phần tích cực trong việc làm giảm áp lực tỷ giá thời gian tới.

Đánh giá những tác động nếu tiền đồng tiếp tục bị mất giá, ông Hiển cho rằng, không nên quá lo ngại. Bởi, đã gọi là chính sách tỷ giá linh hoạt thì tuỳ tình hình thực tế mà cân nhắc điều chỉnh miễn sao tác động tích cực nhiều hơn những yếu tố tiêu cực.

Mới đây, Ngân hàng ADB cũng nhận xét rằng biến động tỷ giá từ đầu năm của VND chỉ giảm khoảng 5% so với USD trong khi các nước trong khu vực đã phá giá trên 10%...Tiền đồng của Việt Nam là nhân tố "ổn định" nhất so với USD kể từ lần phá giá đầu năm 2011.

Mặc dù vậy nếu tính từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008), VND vẫn mất giá mạnh so với USD (gần 30%), chỉ thấp hơn đồng Rupiah của Indonesia.

Việc các nước lân cận phá giá mạnh trong khi Việt Nam mới chỉ thực hiện các điều chỉnh nhẹ, sẽ khiến cho tiền đồng chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên Việt Nam có thể sử dụng nhiều công cụ khác để ổn định tỷ giá, trước khi lựa chọn giải pháp phá giá đồng tiền thêm một lần nữa trong những tháng còn lại của năm 2015.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, từ nay đến cuối năm, tỷ giá vẫn còn áp lực. NHNN cần theo dõi tiếp thị trường, và tính đến điều chỉnh tỷ giá nếu thị trường biến động mạnh.

Việt Nam cần xem xét lại việc duy trì đồng nội tệ mạnh và nên phá giá tiền đồng khoảng 10% trong vòng 2 -3 năm, mỗi năm phá giá khoảng 3-4%. Điều này sẽ tác động tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, những cũng sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi đồng nhân tệ bị phá giá, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh. Trước tiên là do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc giảm, dẫn đến nguyên vật liệu thô mà Việt Nam đang xuất khẩu sang quốc gia này có thể bị ảnh hưởng theo.

Thứ hai, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn khi đồng nhân dân tệ mất giá sẽ khiến nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam thậm chí sẽ càng thêm trầm trọng. Diễn biến này có tác động hai chiều, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi khi hàng hoá xuất xứ Việt Nam trở nên rẻ hơn.

Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp áp lực, cộng với nỗi lo sự "đổ bộ" lớn hơn của hàng hoá Trung Quốc, khi Việt Nam vốn đã nhập siêu rất lớn từ nước này. Đặc biệt, thống kê 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 31% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Nhập siêu từ Trung Quốc đã ở mức 19,5 tỷ USD, tăng 30,7%, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 207,7%. Với mức tăng tỷ giá mới thì con số nhập siêu sẽ còn tăng mạnh.

Với quyết định phá giá mạnh đồng nhân dân tệ còn khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường khác sẽ chịu áp lực đáng kể. Hơn nữa, rất nhiều nước trong khu vực cũng đang thực thi chính sách đồng tiền yếu, khi nước lớn làm giảm đồng tiền của mình.

Chính vì vậy, tác động tỷ giá là lợi, hại đan xen, với những biến động rất khó lường.

Tin mới lên