Ngân hàng

BIDV, di sản tiền nhiệm và chặng đường phía trước

(VNF) – Nhiều sóng gió đang chờ BIDV ở phía trước, liệu dàn lãnh đạo mới của BIDV có ngã tay chèo?

BIDV, di sản tiền nhiệm và chặng đường phía trước

BIDV đang gặp khó về nợ xấu, cổ tức và vấn đề tăng trưởng

"Di sản" người tiền nhiệm

Gần đây, một loạt các ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay, trong đó có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trước BIDV, một ‘ông lớn’ ngân hàng khác là Vietcombank cũng đã tiến hành giảm lãi suất cho vay.

Biên độ và đối tượng giảm lãi suất cho vay của BIDV về cơ bản là tương tự như Vietcombank khi cùng áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6%/năm cho các đối tượng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Biên độ giảm so với mặt bằng chung là khoảng 1%/năm.

Nhìn sơ qua thì thấy đây là một quyết định bình thường của BIDV trong cuộc đua lãi suất, tuy nhiên, đằng sau đó là cả một nỗ lực của ngân hàng này.

Ít ai biết rằng, BIDV hiện đang phải chấp nhận lãi ít hơn để duy trì dư nợ tín dụng, nhất là khi so với Vietcombank.

Cụ thể, chi phí lãi của BIDV trong 6 tháng đầu năm 2016 chiếm tới 64% thu nhập lãi của ngân hàng này, trong khi con số của Vietcombank chỉ là 49%, nghĩa là chênh nhau tới 15 điểm phần trăm. Con số này ở VietinBank là 56%.

Năm 2015, tỷ lệ chi phí lãi trên thu nhập lãi của BIDV, Vietcombank và VietinBank lần lượt là 61%, 51% và 56%.

3 năm trở lại đây, BIDV luôn là ngân hàng dẫn đầu về dư nợ tín dụng trong số "tam trụ" ngành ngân hàng, dù vốn chủ sở hữu lại ở mức thấp nhất.

BIDV: Sóng cả, có ngã tay chèo?

Mọi vấn đề của BIDV đều có liên quan đến nợ xấu

Nhưng khó khăn chưa dừng ở đó. Nợ xấu của BIDV hiện đang dẫn đầu ngành ngân hàng với mức 13.183 tỷ đồng thời điểm kết thúc ngày 30/06/2016, thậm chí còn cao hơn nợ xấu của cả VietinBank và Vietcombank cộng lại.

Tỷ lệ nợ xấu 6 tháng đầu năm của BIDV ở mức 2%, cao hơn đáng kể con số 1,75% của Vietcombank và con số 0,91% của VietinBank.

Ngoài nợ xấu trên sổ sách, BIDV cũng đang nắm giữ tới 20.836 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC tính đến thời điểm kết thúc năm 2015, nghĩa là thực chất BIDV vẫn còn tới 20.836 tỷ đồng nợ xấu đang "nằm tạm" tại VAMC.

Trong khi đó, ngân hàng này mới chỉ trích lập dự phòng được có 1.999 tỷ đồng, chiếm chưa tới 9,6% nợ xấu tại VAMC.

Đó là một góc những "di sản" mà người tiền nhiệm Trần Bắc Hà để lại cho BIDV sau khi rời cương vị Chủ tịch HĐQT để nghỉ hưu. Tất nhiên bên cạnh những "di sản" ấy, ông Trần Bắc Hà cũng để lại nhiều thành tựu cho BIDV.

Khó chồng thêm khó

Sắp tới, BIDV sẽ lần đầu tiên ra mắt dàn lãnh đạo mới của nhiệm kỳ mới với đông đảo cổ đông trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 22/10.

Bên cạnh những "di sản" mà người tiền nhiệm để lại, dàn lãnh đạo mới này của BIDV cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn mới mà trong nhiều trường hợp, vẫn có sự liên quan nhất định đối với những "di sản" cũ.

Đầu tiên là vấn đề cổ tức, dự định sẽ là vấn đề nóng trong đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới dù cho BIDV có chủ động đề cập đến vấn đề này với cổ đông hay không.

Ai cũng hiểu, sở dĩ BIDV không chia cổ tức năm 2015 là do ngân hàng này đang gặp những khó khăn nhất định về mặt tài chính, vì vậy họ muốn dành nguồn lực để tái cân bằng lại. Đặc biệt, BIDV cần một lượng vốn không nhỏ để "đệm" cho nợ xấu, nhằm làm giảm thiểu tác động của những rủi ro từ nợ xấu trong tương lai.

Vấn đề cũng chính nằm ở chỗ này. Nợ xấu của BIDV nếu tính cả trên sổ sách và "nằm tạm" ở VAMC thì đó là con số khổng lồ và còn rất lâu để có thể thực sự giảm về mức hợp lý.

Điều này nghĩa là, trong tương lai một/một vài năm tới, BIDV vẫn cần lượng vốn không nhỏ để xử lý nợ xấu và do đó, cổ đông khó lòng trông chờ vào cổ tức trong tương lai gần của ngân hàng này.

Đó cũng là cái khó của ban lãnh đạo mới của BIDV trong nhiệm kỳ mới, bởi nếu không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay (2016) như đã diễn ra trong năm trước (2015) thì hẳn các cổ đông, đặc biệt là Bộ Tài chính sẽ "không để yên", chứ chưa nói đến chuyện có thể không chia cổ tức trong vòng vài năm tới.

Cái khó thứ 2 của dàn lãnh đạo mới là bài toán tăng trưởng. Cái khó này của BIDV lại bao gồm 2 cái khó khác.

BIDV: Sóng cả, có ngã tay chèo?

Dàn lãnh đạo mới của BIDV liệu có vững tay chèo khi đứng trước sóng gió?

Thứ nhất, như đã trình bày ở trên, nợ xấu thực tế của BIDV hiện đang ở mức rất cao, do vậy mà ngân hàng này sẽ phải dành ra không ít tiền trong nhiều năm tới để trích lập dự phòng rủi ro, điều này trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của BIDV trong những năm của nhiệm kỳ mới.

Thứ hai, BIDV hiện đang gặp khó trong vấn đề tăng vốn. Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), mặc dù cổ đông BIDV đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn 27,6% trong đại hội đồng cổ đông thường niên nhưng trong đó, có tới 8,5% là phát hành quyền mua phụ thuộc vào quyết định hỗ trợ của Chính phủ, còn kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,5% thì bị Bộ Tài chính phản đối.

Điều này đồng nghĩa với việc, kế hoạch tăng vốn của BIDV khó lòng thành công trong tương lai gần, nghĩa là ngân hàng này không thể nhanh chóng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).

Không nâng được tỷ lệ CAR, đồng nghĩa với việc BIDV không thể nới tăng trưởng tín dụng hàng năm lên 20-25% mà phải giữ nguyên tỷ lệ 17% như thời điểm hiện tại theo như quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Có thể thấy, sóng gió mà BIDV sẽ phải trải qua trong thời gian sắp tới là không hề nhỏ, liệu dàn lãnh đạo mới của BIDV có ngã tay chèo?

Tin mới lên