Ngân hàng

Các ngân hàng nói gì về nghị quyết xử lý nợ xấu?

(VNF) – Đại diện VietinBank, Vietcombank, ACB và BIDV nêu góc nhìn về nghị quyết xử lý nợ xấu.

 Các ngân hàng nói gì về nghị quyết xử lý nợ xấu?

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, đại diện của nhiều ngân hàng thương mại đã nêu góc nhìn về xử lý nợ xấu trong bối cảnh hiện nay.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank đánh giá cao những nội dung trọng tâm như xử lý căn bản, triệt để nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống với lộ trình cụ thể, có tính khả thi. Hay việc tiếp tục lành mạnh hoá hoạt động của các TCTD, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật, phù hợp với các thông lệ quốc tế, vấn đề nâng cao tỷ trọng hoạt động phi tín dụng trong tổng thu nhập của ngân hàng...

Lê Đức Thọ

Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ

Theo ông Thọ, thời gian qua, việc xử lý nợ xấu của các TCTD gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do một số nguyên nhân về hành lang pháp lý, về thái độ bất hợp tác từ phía khách hàng hoặc bên có TSBĐ của khoản nợ xấu; vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan liên ngành trong tháo gỡ khó khăn khi xử lý thu hồi TSBĐ.

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Để Nghị quyết sớm được triển khai thực hiện có hiệu quả, các bộ, ban, ngành cần sớm triển khai và hướng dẫn các văn bản cụ thể theo đúng tinh thần của Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank nhận định, Nghị quyết 42 của Quốc hội và Chỉ thị 32 của Chính phủ chắc chắn sẽ tạo ra một xung lực mới trong việc xử lý nợ xấu của các NHTM nói chung, trong đó có Vietcombank.

Vietcombank

Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng

"Tỷ lệ nợ xấu hiện mới là nợ nội bảng, còn nợ ngoại bảng cũng là một khoản rất lớn. Do đó, nếu chúng ta giải quyết được số nợ xấu này, chúng ta sẽ có hàng trăm nghìn tỷ đồng để đưa vào lĩnh vực sản xuất và hoạt động kinh tế. Mặt khác, nếu giải phóng được nguồn lực này sẽ tạo điều kiện cho các NH trong việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng của mình", ông Dũng cho hay.

Với những cơ sở pháp lý quan trọng này, theo ông Dũng, thời gian xử lý nợ xấu có thể rút ngắn được rất nhiều. Số lượng cán bộ ngân hàng thay vì mất thời gian cho công tác xử lý nợ xấu có thể phục vụ khách hàng, mở rộng hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tốt.

"Tôi cho rằng Nghị quyết 42 cũng như Chỉ thị 32 không hề mang lại đặc quyền nào cho ngân hàng. Thực ra đó chỉ là khuôn khổ pháp lý để ngân hàng và khách hàng có thể thực hiện cam kết ngay từ khi ký hợp đồng, tránh tình trạng khi đi vay, khách hàng cam kết thế chấp, nhưng khi ngân hàng đòi nợ thì khách hàng lại không hợp tác để ngân hàng xử lý TSBĐ", Tổng giám đốc Vietcombank nhìn nhận thêm.

Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc ACB chia sẻ, từ năm 2012 đến nay, ACB đã kiểm soát nợ xấu dưới mức 3%. Năm 2012, nợ xấu ACB ở mức 2,4% thì đến nay đã kiểm soát ở mức 1,4%.

Từ Tiến Phát

Phó Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát

"Thời gian tới, chúng tôi đang rất nỗ lực và cố gắng đưa mức đó xuống dưới 1%. Trong giai đoạn 2015 - 2016, ACB đã xử lý hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó dưới 30% bán cho VAMC. Khoảng hơn 30% nợ xấu ACB được xử lý qua tòa án và thi hành án. Chúng tôi đang thực hiện lộ trình giảm mạnh số nợ bán cho VAMC. Ngoài ra trong mô hình quản lý nợ xấu của ACB có hệ thống cảnh báo nợ sớm, đặc biệt là nợ xấu trong thời gian 90 ngày", đại diện ACB cho biết.

Theo góc nhìn của ông Tuấn, trong quá trình xử lý nợ xấu có nhiều vướng mắc, đặc biệt khi thực hiện thủ tục thu giữ tài sản thì nhiều khi dư luận xã hội coi đó là chưa đúng về đạo đức xã hội. Nghị quyết 42 ra đời đã tạo cơ sở tháo gỡ nhiều vấn đề cho ngân hàng. Trong đó, ông Tuấn thấy có ba điểm nổi bật. Thứ nhất, ngăn chặn hành vi chuyển nhượng TSBĐ. Thứ hai, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu giữ TSBĐ. Và thứ ba là rút gọn thủ tục trong quá trình xử lý tranh chấp TSBĐ.

Về phía BIDV, ông Trần Phú Dũng, Giám đốc BIDV Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, Chi nhánh BIDV Đắk Lắk đã rất quyết liệt trong thu hồi nợ xấu và áp dụng các biện pháp linh hoạt để thu hồi nợ tùy vào khách hàng, tùy khoản nợ và từng thời điểm. Ví dụ có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời với khách hàng có thiện chí trả nợ. Hoặc kiên quyết khởi kiện với khách hàng thiếu thiện chí trong việc trả nợ vay.

BIDV Daklak

Giao dịch tại BIDV Đắk Lắk

Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong vấn đề khởi kiện thi hành án, quá trình xử lý nợ xấu cũng gặp khó khăn, do luôn bị kéo dài trung bình từ 2 năm kể từ khi khởi kiện mới bán được tài sản. Ngân hàng phải trải qua nhiều khâu và thủ tục mà chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chính quyền địa phương.

Đơn cử, khi bán tài sản thì nhiều cơ quan đăng ký tại địa phương không đồng ý sang tên do chủ tài khoản không ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng mà lại là ngân hàng. Việc xử lý tài sản là bất động sản gặp nhiều khó khăn bởi việc chuyển đổi tài sản là dự án bất động sản phải do chủ đầu tư thực hiện. Nếu chủ đầu tư không hợp tác, ngân hàng chỉ còn cách khởi kiện, thủ tục thi hành án kéo dài khiến ngân hàng tốn thời gian và chi phí.

Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 đã có tác động lớn đến các chủ thể liên quan tới quá trình vay vốn và xử lý nợ xấu, khẳng định rõ quyền của ngân hàng và người cho vay cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của khách hàng, để khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, giảm nguy cơ phát sinh nợ xấu ngay từ đầu. Từ đó hạn chế việc kéo dài xử lý nợ xấu.

Tin mới lên