Ngân hàng

Chủ tịch VAMC nói về việc giải quyết 'hàng tồn kho' nợ xấu

(VNF) - Đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng đã xử lý được 44 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong tổng số nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Chủ tịch VAMC nói về việc giải quyết 'hàng tồn kho' nợ xấu

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho biết giải quyết "hàng tồn" nợ xấu là nhiệm vụ quan trọng số 1 trong năm 2016.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hùng cho hay Thống đốc Lê Minh Hưng và Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vừa có buổi làm việc với VAMC. Tất cả những số liệu bao gồm số dư mua, bán, kết quả xử lý, những kiến nghị xử lý vướng mắc đều đã được VAMC báo cáo rõ ràng và cập nhập hàng ngày cho Thống đốc cùng Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Đến đầu tháng 5/2016, dư nợ gốc mà VAMC đã mua được là 244 nghìn tỷ đồng, theo giá trị sổ sách là 238 nghìn tỷ đồng, phát hành trái phiếu đặc biệt VAMC (trái phiếu VAMC) là 207 nghìn tỷ đồng. 

"Chúng tôi dùng 207 nghìn tỷ đồng để mua 244 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc và hạch toán trên nội bảng là 238 nghìn tỷ đồng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo phải quyết liệt tìm mọi biện pháp trên cơ sở các quy định hiện hành để sớm xử lý số nợ xấu đã mua. Trong quá trình đó,vướng đâu, gỡ đấy, quyết không để tiến độ xử lý nợ bị trì trệ", ông nói. 

Đến nay, VAMC và tổ chức tín dụng đã xử lý được 44 nghìn tỷ đồng. So với số dư trái phiếu, chỉ còn khoảng 163 nghìn tỷ đồng và đây chính là "nhiệm vụ trọng yếu nhất của VAMC cùng toàn ngành ngân hàng trong năm 2016".

Để xử lý nốt 163 nghìn tỷ đồng nợ xấu còn lại, ông Hùng cho hay VAMC cùng tổ chức tín dụng phải bằng mọi cách để thu hồi nợ, song song cơ cấu lại khoản nợ và giảm lãi suất để những khách hàng có cơ hội phục hồi sản xuất tiếp tục hoạt động. 

Thứ hai là VAMC sẽ tích cực bán tài sản bảo đảm và/hoặc uỷ quyền cho tổ chức tín dụng bán tài sản bảo đảm. Ngày 8/9/2014, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 18 hướng dẫn thủ tục xử lý tài sản bảo đảm thông qua phương thức bán đấu giá theo cơ chế xử lý của VAMC. Đây là một cơ chế đột phá, nhờ đó, tốc độ xử lý tài sản bảo đảm sẽ nhanh hơn trước rất nhiều. 

Thứ ba là để VAMC giải quyết nhanh nợ xấu, cần có thị trường mua bán nợ hoạt động một cách chuyên nghiệp. Nếu trước đây, chúng tôi mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt thì tới đây, sẽ mua theo giá thị trường. 

"Muốn làm được điều này, phải có vốn và thị trường người mua, kẻ bán tấp nập. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không ngồi đợi đến khi có thị trường mua bán nợ rồi mới hành động. Với những quy định hiện hành, VAMC sẽ vận dụng một cách triệt để để xử lý như chỉ đạo mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước", ông nói. 

Tin mới lên