Ngân hàng

Chuyên gia: Nên dùng ngân sách để xử lý nợ xấu

Nợ xấu không được xử lý nhanh sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế, do đó việc sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước để đẩy nhanh xử lý nợ xấu là cần thiết, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

Chuyên gia: Nên dùng ngân sách để xử lý nợ xấu

Nợ xấu không được xử lý nhanh sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Tại hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam: Cơ hội từ thách thức" do Ngân hàng HSBC Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam tổ chức hôm 13/9, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng hiện Việt Nam đang đối mặt với thách thức ngắn hạn là tình trạng ngành ngân hàng hoạt động không hiệu quả và nợ xấu.

Theo ông Thành, trong 5 năm qua, các báo cáo công bố đều cho thấy tỷ lệ nợ xấu giảm mỗi năm, nhưng tỷ lệ nợ xấu thực tế cao hơn nhiều, nếu tính cả số nợ xấu được chuyển sang VAMC và nợ xấu giấu trong các hạng mục tài sản có khác của ngân hàng. Ngoài ra, tín dụng đang tăng nhanh nhưng chủ yếu là tín dụng dùng để đảo nợ.

Để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, vào tháng trước (ngày 10/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố dự thảo đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có đề xuất về việc sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu. Đề xuất này không được nhiều người ủng hộ, nhưng ông Thành cho rằng việc dùng nguồn lực nhà nước để thúc đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu là cần thiết.

Bởi lẽ, trên thực tế, hiện nhiều nợ xấu đã thuộc sở hữu của Nhà nước khi nợ xấu chủ yếu nằm trong các ngân hàng yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua với giá 0 đồng trong thời gian qua. Điều này có nghĩa là khi các ngân hàng này thuộc sở hữu của Nhà nước thì Nhà nước cũng phải xử lý nợ xấu này.

Trước đây, có dự định rằng các ngân hàng sẽ tạo ra lợi nhuận và dùng lợi nhuận tương lai để xử lý nợ xấu trong quá khứ. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, dự định này không xảy ra vì lợi nhuận của các ngân hàng quá thấp, nên không đủ để có thể xử lý nợ xấu. Trong khi đó, nợ xấu càng để lâu thì càng kéo tăng trưởng của cả nền kinh tế đi xuống.

Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, các nhà đầu tư không bao giờ mua những ngân hàng yếu kém vì tỷ lệ nợ xấu cao và không minh bạch. Do đó, Nhà nước đã mua những ngân hàng này thì phải dùng nguồn lực để xử lý nợ xấu, tức dọn dẹp sạch sẽ để từ đó mới có thể bán các ngân hàng này cho nhà đầu tư.

Nguồn lực mà Nhà nước có thể dùng để xử lý một phần nợ xấu này có thể đến từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn khỏi các công ty như Vinamilk, Sabeco,… Ngoài ra, một khi sử dụng nguồn lực Nhà nước thì việc này phải đảm bảo minh bạch. Tuy nhiên hiện cần phải chờ xem Chính phủ sẽ hành động tiếp theo như thế nào đối với lĩnh vực ngân hàng, ông Thành cho biết thêm.

Ngoài ra, tại hội thảo này, ông Thành cho biết thách thức vĩ mô trung hạn đối với Việt Nam là tình trạng nợ công lớn.

Hiện với việc ban hành trái phiếu Chính phủ trong thời gian qua, nợ công trên GDP của Việt Nam sắp chạm ngưỡng 65% do Quốc hội đặt ra. Nếu đến năm 2020 tỷ lệ nợ công trên GDP lên đến 80-90%, việc này sẽ gây rủi ro cao cho Chính Phủ.

Theo chuyên gia này, Chính phủ biết việc này nên sẽ tìm cách để giữ tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức an toàn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên thuế áp dụng cho hàng hóa cũng giảm xuống, khiến nguồn thu ngân sách của Chính phủ bị giảm. Do đó, để giảm nợ công, Chính phủ chỉ còn cách giảm chi tiêu công, thắt chặt chi tiêu của chính phủ trung ương và địa phương.

Tin mới lên