Ngân hàng

Chuyện lãi ít, lãi nhiều ở các ngân hàng 3.000 tỷ

(VNF) – Vì sao cùng vốn điều lệ ở mức tối thiểu là 3.000 tỷ đồng nhưng mức lãi tại các ngân hàng như Saigonbank, Kienlongbank, NamABank hay NCB lại khác nhau nhiều đến thế?

Chuyện lãi ít, lãi nhiều ở các ngân hàng 3.000 tỷ

Mức lãi nửa đầu năm 2016 của các ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng là rất khác nhau

Nghịch lý Saigonbank

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) là một ngân hàng thuộc diện ngân hàng 3.000 tỷ, nghĩa là ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng – mức vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng theo quy định của Nhà nước.

Với vốn điều lệ ít ỏi, ngân hàng này chỉ huy động được 13.735 tỷ đồng tiền gửi khách hàng tính đến hết ngày 30/06/2016. Trong khi đó, dư nợ tín dụng của Saigonbank cũng chỉ ở mức 11.565 tỷ đồng.

Nhưng cũng cùng vốn điều lệ, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đã huy động được tới 21.532 tỷ đồng tiền gửi và cho vay khách hàng tổng cộng 16.687 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/06/2016.

Trong khi đó, mức huy động tiền gửi và cho vay của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) – một ngân hàng cũng thuộc diện 3.000 tỷ - lại cao hơn nhiều Saigonbank và Kienlongbank, lần lượt ở mức 31.440 tỷ đồng và 26.028 tỷ đồng tính đến hết nửa đầu năm 2016.

Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) thậm chí còn có mức huy động tiền gửi lên tới 38.901 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc ngày 30/06/2016 trong khi đây cũng là ngân hàng có vốn điều lệ tối thiểu. Dư nợ tín dụng của NCB ở mức 21.373 tỷ đồng.

Những tưởng Saigonbank sẽ là ngân hàng có lợi nhuận sau thuế thấp nhất bởi cho vay là nghiệp vụ sinh lời chính của ngân hàng, trong khi dư nợ tín dụng của Saigonbank lại thấp hơn nhiều 3 ngân hàng còn lại, chỉ bằng 69% Kienlongbank, 44% NamABank và 54% NCB.

Thế nhưng, thu nhập lãi thuần nửa đầu năm 2016 của Saigonbank lại không thua kém là bao so với Kienlongbank, NCB và NamABank. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của Saigonbank bằng 85% Kienlongbank, 60% NamABank và 78% NCB. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên thu nhập lãi của Saigonbank cao vượt trội so với 3 ngân hàng còn lại.

Thu nhập lãi thuần là khoản thu nhập chính của ngân hàng, bằng thu nhập lãi trừ đi chi phí lãi. Thu nhập lãi chủ yếu là lãi từ hoạt động tín dụng. Chi phí lãi chủ yếu là lãi phải trả cho người gửi tiền.

Thông thường tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên thu nhập lãi của một ngân hàng chỉ cao hơn các ngân hàng khác khi ngân hàng đó tập trung vào hoạt động cho vay trung và dài hạn vốn có lãi suất cao hơn cho vay ngắn hạn. Tuy vậy, rất ngạc nhiên là 74% hoạt động tín dụng của Saigonbank là cho vay ngắn hạn. Có khả năng Saigonbank đã tập trung cho vay các dự án có tính mạo hiểm cao hơn thông thường để hưởng lãi suất cao hơn.

Vì đâu lãi ít, lãi nhiều?

Lãi ít, lãi nhiều đầu tiên là phụ thuộc vào lãi từ các mảng kinh doanh của ngân hàng. Tất nhiên thu nhập lãi thuần, thực chất là lãi từ hoạt động tín dụng và phần nhỏ là lãi từ nắm giữ chứng khoán đầu tư, là khoản thu quan trọng nhất và đã được trình bày phía trên.

Đáng chú ý là nửa đầu năm 2016, trong khi NamABank chỉ lỗ có 195 triệu đồng từ mua bán chứng khoán kinh doanh và lãi tổng cộng 70,2 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh khác, đồng thời, Saigonbank chỉ lỗ có 1 triệu đồng từ mua bán chứng khoán kinh doanh và lãi tổng cộng 44,4 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh khác thì Kienlongbank lại lỗ tới 44,9 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư.

Khoản lỗ nặng này của Kienlongbank chủ yếu là đến từ hoạt động đầu tư mua cổ phiếu của Sacombank và Maritime Bank. Lãi từ các mảng kinh doanh khác của Kienlongbank chỉ đạt 40,4 tỷ đồng, chưa đủ bù đắp khoản lỗ nói trên.

Trong khi đó, NCB lại lỗ 19,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016 từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và lỗ nhẹ 1,2 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh dịch vụ. Các mảng kinh doanh khác của NCB lãi tổng cộng 29,7 tỷ đồng.

Một vấn đề cũng rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến lãi, lỗ của ngân hàng là chi phí hoạt động. Chi phí hoạt động càng cao thì lãi càng thấp, thậm chí là lỗ.

Trong số các ngân hàng 3.000 tỷ kể trên thì Saigonbank có chi phí hoạt động thấp nhất với 165 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016. Điều này cũng dễ hiểu bởi quy mô tín dụng và tiền gửi của Saigonbank là nhỏ nhất.

Còn chi phí hoạt động của Kienlongbank thì ở mức 315 tỷ đồng, trong khi của NamABank là 356 tỷ đồng và của NCB là 347 tỷ đồng.

Nhưng lợi nhuận thuần cao mà tỷ lệ trích lập dự phòng lớn thì cũng thành "công cốc". Chẳng hạn như trường hợp của NCB, dù đạt mức lợi nhuận thuần 67,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016 nhưng sau khi trích lập dự phòng rủi ro 25,4 tỷ đòng và trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng 32,9 tỷ đồng thì tổng lợi nhuận trước thuế của NCB chỉ còn vỏn vẹn 9,2 tỷ đồng.

Không bào mòn mạnh lợi nhuận thuần như trường hợp của NCB nhưng với tỷ lệ trích lập dự phòng lên đến gần 50%, tổng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2016 của Kienlongbank chỉ còn 28,6 tỷ đồng.

Dù là ngân hàng 3.000 tỷ có quy mô nhỏ nhất nhưng lợi nhuận thuần của Saigonbank lại cực kỳ ấn tượng với con số 196 tỷ đồng. Lại thêm chỉ phải trích lập dự phòng với tỷ lệ 27% nên tổng lợi nhuận trước thuế của Saigonbank ở mức khá cao là 143,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc NamABank dẫn đầu về lợi nhuận không phải là điều gì lạ. Nửa đầu năm 2016, ngân hàng này đạt mức lợi nhuận thuần 240 tỷ đồng. Sau khi trích lập dự phòng với tỷ lệ 31%, lợi nhuận trước thuế của NamABank còn lại là 165 tỷ đồng.

Tin mới lên