Ngân hàng

‘Đại phẫu’ Sacombank: Nova rút lui, kỳ vọng dồn về ‘cha đẻ’ Đặng Văn Thành

(VNF) – Mặc dù nhóm nhà đầu tư của ông Đặng Văn Thành đang "một mình một chợ" trong cuộc đua "đại phẫu" Sacombank nhưng tham vọng quá lớn của nhóm nhà đầu tư này có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công của họ.

‘Đại phẫu’ Sacombank: Nova rút lui, kỳ vọng dồn về ‘cha đẻ’ Đặng Văn Thành

"Cha đẻ" Sacombank Đặng Văn Thành liệu có quay trở lại Sacombank thành công?

Kỳ vọng dồn lên vai "cha đẻ" Đặng Văn Thành

Trong một diễn biến mới nhất, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT NovaGroup đã chính thức xin rút, không tham gia đề án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Lý giải về quyết định của mình, ông Bùi Thành Nhơn cho biết, trong thời gian chờ đợi sự phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu Sacombank, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều gây bất lợi cho NovaGroup.

Trước đó, NovaGroup đã có đề xuất sơ bộ mua 20% cổ phần của Sacombank, bao gồm cả kế hoạch nhân sự với sự góp mặt của nhiều tên tuổi quốc tế trong ban cố vấn và ban giám đốc, như Phó Chủ tịch Credit Suisse châu Á – ông Jose Isidro N. Camacho, nguyên CEO Deutsche Bank Vietnam – ông Tri N. Pham, Giám đốc Visa Đông Nam Á - ông Thomas Tobin, Phó Tổng giám đốc KPMG Hàn Quốc Derek Lee…

Với động thái rút lui của NovaGroup, cuộc "đại phẫu" Sacombank giờ chỉ còn trông chờ vào nhóm nhà đầu tư gồm: Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công – người một tay gây dựng Sacombank trước khi phải nhường quyền điều hành cho nhóm Trầm Bê vào năm 2012.

Nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán hiện đang đặt kỳ vọng lớn vào "cha đẻ" Sacombank khi cho rằng, việc NovaGroup rút lui sẽ tạo lợi thế "một mình một chợ" cho nhóm nhà đầu tư của ông Đặng Văn Thành. Đồng thời, ông Thành cũng là người tâm huyết với Sacombank, có kinh nghiệm điều hành lĩnh vực ngân hàng và có tiềm lực tài chính, nên kỳ vọng của nhà đầu tư đặt trên vai ông Đặng Văn Thành càng lớn.

ông Đặng Văn Thành

Ông Đặng Văn Thành đang được kỳ vọng sẽ trở lại dẫn dắt Sacombank

Ngoài yếu tố tiềm lực tài chính còn phải chờ xem xét, cân nhắc từ phía Ngân hàng Nhà nước, yếu tố tâm huyết với cuộc "đại phẫu" Sacombank là điểm cộng lớn với nhóm nhà đầu tư của ông Đặng Văn Thành, gần như không có nhóm nhà đầu tư nào so sánh được.

Chia sẻ sau khi rút lui khỏi thương vụ tái cơ cấu Sacombank, ông Bùi Thành Nhơn có khuyến nghị, Sacombank rất cần người lái tàu tâm huyết gắn liền với nguồn vốn thật, cần nhóm quản lý chuyên nghiệp trong và ngoài nước thông hiểu việc tái cấu trúc ngân hàng tầm cỡ quốc tế, cần người có mối quan hệ hài hoà với tất cả các bên để tránh xung đột, cần người quy tụ được nhân tài về hợp sức kiên trì vực dậy ngân hàng. Chia sẻ này không khỏi khiến các nhà đầu tư liên tưởng tới nhóm nhà đầu tư của ông Đặng Văn Thành.

Tuy vậy, đến thời điểm này, chưa có bất cứ thông tin chính thức nào từ phía Ngân hàng Nhà nước về đề xuất tái cơ cấu Sacombank của nhóm nhà đầu tư Evercore – Đặng Văn Thành.

Vướng mắc về tỷ lệ sở hữu Sacombank?

Điều có thể coi là trở ngại đối với nhóm ông Đặng Văn Thành, ngoài vấn đề tài chính còn phải chờ xem xét chính thức, là tham vọng quá lớn của nhóm nhà đầu tư này vào cuộc tái cơ cấu Sacombank.

Nhóm ông Đặng Văn Thành hiện đề xuất nắm "cổ phần chi phối" tại Sacombank với thương vụ đầu tư lên đến trên 20.000 tỷ đồng, tuy nhiên, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước lại cho biết, kế hoạch đầu tư hay giao dịch của nhà đầu lớn hay nhỏ hiện đều phải tuân thủ, cũng như đã được pháp luật quy định trên thị trường, nhất là về các giới hạn tỷ lệ sở hữu.

20.000 tỷ đồng, trong trường hợp giả lập đơn giản, là con số có thể mua trên 90% cổ phần Sacombank nếu tính theo thị giá hiện tại, thậm chí ở thời điểm mà nhóm ông Đặng Văn Thành có đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước, số tiền này thậm chí có thể mua đứt 100% cổ phần Sacombank.

Theo Điều 55, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 quy định, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Đối với quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, Luật các TCTD 2010 có trừ trường hợp sở hữu cổ phần theo quy định tại khoản 3 Điều 149 Luật này để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trường hợp của nhóm Evercore - Đặng Văn Thành muốn mua cổ phần của Sacombank hiện có rơi vào khoản 3 Điều 149 Luật các TCTD 2010 hay không vẫn còn nhiều băn khoăn.

Sacombank

Vấn đề về tỷ lệ sở hữu Sacombank có thể là vướng mắc lớn đối với nhóm nhà đầu tư của ông Đặng Văn Thành

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 149 Luật các TCTD 2010, Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi Ngân hàng Nhà nước xác định số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Chiếu nội dung trên, quy định này chỉ áp dụng trong trường hợp TCTD góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Việc đưa Sacombank vào diện kiểm soát đặc biệt không khó, tuy nhiên, nhóm ông Đặng Văn Thành lại không đơn thuần là TCTD khi chỉ có Evercore là TCTD, tuy nhiên, đây lại là TCTD nước ngoài, nghĩa là lại chịu điều chỉnh bởi quy định pháp luật khác.

Hiện nay, theo Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Nghị định cũng quy định, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Tuy nhiên, Nghị định này cũng có quy định: trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Như vậy, vấn đề lớn đối với nhóm nhà đầu tư của ông Đặng Văn Thành là nhóm này muốn sở hữu bao nhiều phần trăm cổ phần Sacombank và phân chia lượng cổ phần này như thế nào để đảm bảo quy định pháp luật. Nếu muốn rơi vào trường hợp đặc biệt để nới tỷ lệ sở hữu, nhóm này lại phải được sự phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ.

Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề khác. Evercore là TCTD nước ngoài, có lợi thế về tỷ lệ sở hữu Sacombank trong các trường hợp đặc biệt chiếu theo quy định pháp luật, đồng nghĩa có khả năng sẽ nắm tỷ lệ sở hữu cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều ông Đặng Văn Thành. Vậy nếu thương vụ Evercore – Đặng Văn Thành tái cơ cấu Sacombank thành hiện thực thì quyền lực lớn nhất tại Sacombank sẽ thuộc về Evercore hay ông Đặng Văn Thành?

Tin mới lên