Ngân hàng

Doanh nghiệp FDI 'xù' hàng trăm tỷ: Những ngân hàng nào 'dính chưởng'?

Thời gian qua, nhiều ngân hàng Việt Nam ăn phải "quả đắng" khi dễ dãi cho các ông chủ ngoại vay tiền bằng chính tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay. Những món nợ hàng chục triệu đô la kéo dài theo năm tháng vì các ông chủ đã "cao chạy xa bay".

Doanh nghiệp FDI 'xù' hàng trăm tỷ: Những ngân hàng nào 'dính chưởng'?

Giám đốc Công ty Cổ phần thép Quatron (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mất liên lạc để lại món nợ 100 tỷ đồng (Ảnh: Ngọc Giang)

"Xù" tới 100 trăm tỷ đồng

Gần nhất là vụ Giám đốc Công ty Cổ phần thép Quatron (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mất liên lạc để lại món nợ 100 tỷ đồng. Điều lạ là, mặc dù công ty này đã làm ăn thua lỗ từ lâu, nợ tiền ngân hàng và nợ lương, nợ BHXH lớn, nhưng ông chủ vẫn dễ dàng "cao chạy, xa bay".

Công ty Cổ phần thép Quatron (100% vốn nước ngoài) được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 với 6 cổ đông sáng lập là người Jordan, Hy Lạp, Canada. Thông tin từ Ban Thu (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết, từ giữa năm 2014, Quatron đã bắt đầu nợ lương công nhân cũng như nợ tiền BHXH.

Tính đến hết tháng 2/2017, Công ty này nợ gần 20 đối tác với số tiền khoảng hơn 11 tỷ đồng (chưa tính 1,2 tỷ đồng tiền thuế và các khoản lãi quá hạn ngân hàng - PV). "Riêng khoản nợ lương và nợ BHXH của 400 lao động đã lên tới 17,2 tỷ đồng", đại diện lãnh đạo Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết.

Được biết, diện tích đất 80.000m2 mà Quatron thuê cùng toàn bộ nhà xưởng đã được thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu với số tiền vay khoảng 3 triệu USD.

Cộng các khoản nợ, ông chủ Quatron đã "xù" khoảng 100 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ 3 triệu USD của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc xử lý hậu quả do Quatron bỏ trốn, trước mắt, theo các cơ quan chức năng là "ưu tiên cho người lao động"; trong khi đó, qua xác minh, tổng tài sản của Quatron được thế chấp tại ngân hàng chỉ khoảng 60 tỷ đồng (thiếu hơn 40 tỷ đồng so với khoản nợ - PV).

Về lý do tại sao có nghi ngờ, có kiểm tra nhưng vẫn không ngăn chặn được doanh nghiệp bỏ trốn, lãnh đạo Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngay khi có dấu hiệu, Ban này đã gửi công văn yêu cầu Quatron báo cáo nhưng doanh nghiệp không thực hiện. Đến khi làm việc trực tiếp, chủ doanh nghiệp này không có mặt mà ủy quyền không hợp lệ cho người khác. "Vì chủ doanh nghiệp Quatron chỉ ở nước ngoài và làm ủy quyền cho người không hợp lệ ở Việt Nam nên không thể đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh", vị lãnh đạo Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói.

Nỗi đau của Agribank Phú Thọ

Thực ra, việc các ông chủ ngoại bỏ trốn xù nợ đã diễn ra từ những năm 2002-2005. Khi đó, một số địa phương đã phải nếm trái đắng, nhất là các ngân hàng cho vay tiền nhưng bị các ông chủ ngoại "xù" hàng chục triệu USD.


Chủ Hàn Quốc bỏ trốn, để lại nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng (Phú Thọ) và món nợ hơn 12 triệu USD  (Ảnh: N.P.C)

Điển hình như tại Phú Thọ, ngân hàng "dính" nhiều nhất là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ (Agribank Phú Thọ). Khi chủ hai Cty TNHH Tasco Polycon và Cty TNHH công nghiệp Tasco (100% vốn Hàn Quốc) bỏ trốn, đã mang theo khoản nợ của Agribank Phú Thọ lên tới 12 triệu USD.

Hai công ty nợ tiền của Agribank Phú Thọ có nhà máy đóng tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Điều khiến dư luận thắc mắc là không hiểu sao, chỉ với nhà xưởng cấp 4, máy móc lạc hậu, công suất thấp, chủ yếu sản xuất mặt hàng giản đơn nhưng các ông chủ Hàn Quốc vẫn vay được từ Agribank Phú Thọ tới hơn 12 triệu USD (?).

Tại thời điểm năm 2011, khi trao đổi với tác giả bài viết, ông Vũ Văn Minh - Giám đốc Agribank Phú Thọ thừa nhận: "Các doanh nghiệp vay được hơn chục triệu USD là vì họ làm hồ sơ gian dối".

Ông Minh cho biết, sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh đã tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư của những công ty Hàn Quốc đang nợ tiền ngân hàng nhưng không có khả năng thanh toán. Toàn bộ mặt bằng nhà xưởng, máy móc đã được Agribank Phú Thọ phát mại và chủ động tìm kiếm nhà đầu tư tiếp nhận nhà máy để thu hồi nợ. "Sau vụ việc, các ngành của tỉnh đã rút ra được bài học kinh nghiệm. Đó là nỗi đau chung của toàn tỉnh Phú Thọ và là bài học xương máu với lãnh đạo Agribank", ông Minh từng thừa nhận.

Tại thời điểm các ông chủ Hàn Quốc bỏ trốn (2005), dư nợ của 4 Công ty Hàn Quốc (Công ty TNHH Tasco Polycon, Công ty TNHH Công nghiệp Tasco, Công ty TNHH Tasco Việt Nam, Công ty TNHH Tasco Material) vẫn còn hơn 12 triệu 253 nghìn USD. Khoản nợ này, sau đó Agribank Phú Thọ thu hồi bằng việc cho đối tác thuê lại nhà xưởng. Tuy nhiên, số tiền thu hồi được quá ít so với tổng tiền cho vay. Thậm chí, có cán bộ tín dụng còn khẳng định, "có khi tới hàng chục năm cũng chưa thu hồi hết".

BIDV, SHB, Habubank và khoản nợ 50 triệu USD

Một tập đoàn đến từ Đài Loan, đăng ký đầu tư 500 triệu USD vào Hải Dương, nhưng mới đầu tư giai đoạn một đã bỏ trốn để lại khoản nợ 50 triệu USD cho một số ngân hàng nội. Sự vụ khiến một loạt lãnh đạo ngân hàng đau đầu đó là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thành Đô, SHB chi nhánh Quảng Ninh, Habubank chi nhánh Bắc Ninh.


Chủ đầu tư đến từ Đài Loan về nước, để lại đống nợ 50 triệu USD và khu nhà xưởng tại Hải Dương (Ảnh: N.P.C)

Năm 2005, UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho Tập đoàn Kenmark (Đài Loan) đầu tư 500 triệu USD vào KCN Việt Hòa (TP. Hải Dương). Theo Sở KH-ĐT Hải Dương, tại thời điểm đó, đây là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào tỉnh này.

Theo giấy phép đầu tư, Kenmark sẽ xây dựng các khu sản xuất công nghiệp, kinh doanh - dịch vụ, khu đô thị, nghỉ ngơi - giải trí cho người lao động trên mặt bằng 130ha. Theo đó, dự án sẽ được triển khai thành hai giai đoạn, trước mắt đầu tư giai đoạn một trên diện tích 46ha, với tổng vốn hơn 90 triệu USD.

Một số doanh nghiệp ký hợp đồng xây dựng nhà xưởng cho Kenmark cho biết, lợi thế của dự án Kenmark là đã được định hướng trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương, phù hợp với quy hoạch chung của TP. Hải Dương giai đoạn 2002-2020 nên chủ đầu tư ngoại dễ vay vốn từ các ngân hàng trong nước. Vì thế, ông chủ Kenmark đã dễ dàng vay khoảng 50 triệu USD từ BIDV chi nhánh Thành Đô, SHB chi nhánh Quảng Ninh, Habubank chi nhánh Bắc Ninh, trong đó, BIDV chi nhánh Thành Đô cho vay nhiều nhất.

Vào tháng 5/2010, hai nhà máy của Kenmark đột ngột ngừng sản xuất. Trước khi về nước, chủ đầu tư thông báo cho UBND tỉnh Hải Dương biết về việc ngừng hoạt động tại Việt Nam. Biết chủ đầu tư đổ bể, tại thời điểm đó, đã xảy ra tranh chấp phức tạp khi nhiều nhà thầu xây dựng nhà xưởng cho Kenmrak ồ ạt vận chuyển hàng nghìn tấn thép ra khỏi KCN Việt Hoà - Kenmark để thu hồi công nợ.

Sau đó, Ban quản lý KCN Hải Dương ra thông báo đóng cửa KCN Việt Hoà - Kenmark để bảo vệ tài sản.

Từ tháng 5/2010 đến nay, khu nhà xưởng của Kenmark vẫn đóng cửa, không hoạt động. Còn ông chủ Đài Loan về nước, bỏ lại cả đống nợ cho các ngân hàng Việt Nam.

Để biết được phương án xử lý các khoản nợ của các ngân hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin tới bạn đọc trong kỳ tới.

Tại thời điểm 2011, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ thống kê riêng các ông chủ đến từ Đài Loan và Hàn Quốc, đã có hơn 200 dự án bị phá sản, giải thể do gặp khó khăn về tài chính. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo bằng thủ đoạn xin cấp giấy chứng nhận đầu tư để vay vốn sau đó rút về nước không thực hiện dự án nhằm chiếm đoạt vốn vay. Trong đó, có hơn 20 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc và Đài Loan tại 12 địa phương còn nợ đọng ngân hàng không có khả năng trả nợ với số tiền gần 80 triệu USD. Trong đó, riêng Phú Thọ gần 17 triệu USD; Hải Dương khoảng 50 triệu USD.

Tin mới lên