Ngân hàng

Eximbank và liều thuốc đắng lần 2

(VNF) – Sau "bước trượt dài" từ đỉnh cao năm 2011, Eximbank tiếp tục phải đối mặt với vấn đề lớn là nợ xấu và đã bắt đầu với "đợt trị liệu" đầu tiên khi tăng rất mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng. Tuy nhiên, đối mặt với "liều thuốc đắng" lần 2, Eximbank có vẻ đang chùn bước.

Eximbank và liều thuốc đắng lần 2

Eximbank liệu có đủ sức cho "liều thuốc đắng" lần 2?

Ngọn ngành "bước trượt dài" của Eximbank

Nếu nói về những "cú ngã" đau đớn trong ngành ngân hàng trong vài năm trở lại đây, có lẽ không thể không kể đến "cú ngã" của Eximbank. Từ vị thế là một trong những ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất vào năm 2011, Eximbank bỗng chốc rơi tự do và về với mức lợi nhuận thuộc hàng thấp nhất hệ thống ngân hàng. Năm 2014 và năm 2015, Eximbank chỉ ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế chưa tới 70 tỷ đồng, trong khi con số này năm 2011 lên đến 4.056 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trượt dài của Eximbank, là bởi ngân hàng này quá "tham lam" khi lạm dụng vốn liên ngân hàng trong quá trình phát triển. Năm 2011, tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác của Eximbank lên đến 71.859 tỷ đồng, thậm chí còn lớn hơn nhiều nguồn tiền huy động từ dân cư lúc đó đang ở mức 53.652 tỷ đồng.

Nguồn tiền huy động từ dân cư mới là nguồn vốn huy động chính của ngân hàng bởi tính an toàn và ổn định. Nguồn vốn liên ngân hàng (tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác) thường chỉ được sử dụng trong mục đích đảm bảo thanh khoản tạm thời, nhưng Eximbank lại coi vốn liên ngân hàng là nguồn vốn chính để đem đi cho vay. Tất nhiên Eximbank "không dám" đẩy lượng vốn liên ngân hàng vào hoạt động tín dụng, mà ngân hàng này cẩn trọng đẩy phần lớn lượng vốn này vào chính thị trường liên ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất.

Sự phụ thuộc của Eximbank vào vốn liên ngân hàng

Tăng trưởng của Eximbank phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng vốn liên ngân hàng

Biểu đồ trên cho thấy rất rõ sự phụ thuộc của Eximbank vào nguồn vốn liên ngân hàng. Khi nguồn vốn liên ngân hàng có xu hướng tăng, thu nhập lãi và chi phí lãi (hình thành từ hoạt động đầu tư và cho vay – hoạt động chính của ngân hàng) cũng có xu hướng tăng rõ rệt (giai đoạn 2009 – 2011). Ngược lại, khi nguồn vốn liên ngân hàng có xu hướng giảm, thu nhập lãi và chi phí lãi của Eximbank cũng giảm theo rõ rệt (giai đoạn 2011 – 2015).

Riêng năm 2014 và năm 2015, đà giảm thu nhập lãi và chi phí lãi của Eximbank bị "hãm" lại là bởi đà tăng của tiền gửi khách hàng đã bù đắp vào lượng bị hụt đi của vốn liên ngân hàng, khiến nguồn vốn chung của Eximbank vẫn được đảm bảo phần nào, kéo theo hoạt động đầu tư và cho vay không bị mất cân đối lớn.

Thực ra, bản thân việc gia tăng mạnh vốn liên ngân hàng cũng là tiền đề để Eximbank gia tăng lượng tiền gửi từ dân cư (tiền gửi khách hàng). Bởi khi vốn liên ngân hàng được gia tăng nhanh, đồng nghĩa với việc tài sản của Eximbank cũng "phình to", lợi nhuận cũng nhanh chóng được gia tăng, khiến vị thế của Eximbank trước khách hàng và người dân cũng tăng lên rất nhanh chóng. Cũng bởi vị thế "đi mượn" ấy mà chỉ trong vòng 3 năm 2012 - 2014, tiền gửi khách hàng của Eximbank tăng gấp đôi, từ mức 53.652 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2012 lên mức 101.371 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2014.

Khi lượng tiền gửi từ dân cư tăng nhanh qua các năm, cũng là lúc Eximbank phải tiến hành giảm vốn liên ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro và phần nào cân bằng lại cơ cấu huy động vốn mà trước đó đã quá mất cân đối do lạm dụng vốn liên ngân hàng. Trong giai đoạn 2012 – 2014, vốn liên ngân hàng của Eximbank giảm từ mức 71.859 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2012 xuống mức 41.043 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2014. Đến năm 2015, vốn liên ngân hàng của Eximbank chỉ còn vỏn vẹn 7.933 tỷ đồng.

Và hành trình giảm vốn liên ngân hàng của Eximbank chính là hành trình ngân hàng này trở về với "mặt đất" sau quãng thời gian "bay cao" nhờ vốn "đi mượn" từ ngân hàng khác, cũng là hành trình cho "bước trượt dài" của Eximbank.

Eximbank có đủ sức cho "liều thuốc đắng" lần 2?

Việc tăng giảm vốn liên ngân hàng có thể giải thích được cho "bước trượt dài" của Eximbank, tuy nhiên, việc lợi nhuận của Eximbank teo tóp và khiến ngân hàng này khốn đốn kể từ năm 2014 tới nay lại không phải trực tiếp đến từ việc lạm dụng vốn liên ngân hàng, mà là đến từ hoạt động tín dụng với vấn đề muôn thủa: nợ xấu.

Nợ xấu Eximbank

Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của Eximbank giai đoạn 2011 – 9 tháng đầu năm 2016

Xét trong giai đoạn 2012 – 2014, nợ xấu của Eximbank đã tăng tới hơn gấp đôi, từ mức 985 tỷ đồng năm 2012 lên mức 1.650 tỷ đồng năm 2013 và lên mức 2.143 tỷ đồng năm 2014. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank cũng liên tục tăng, lần lượt từ mức 1,31% lên mức 1,98% và lên mức 2,46%.

Nhưng đó mới chỉ là nợ xấu trên sổ sách. Năm 2014, Eximbank đã bán tới 3.860 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, nâng tổng nợ xấu mà Eximbank chuyển sang VAMC lên mức 4.784 tỷ đồng, nghĩa là hơn gấp đôi nợ xấu trên sổ sách của Eximbank.

Việc gia tăng nợ xấu mạnh trong giai đoạn 2012 – 2014 đã khiến Eximbank phải tiến hành "đợt điều trị" đầu tiên là tăng mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro trên lợi nhuận thuần, từ mức chỉ 8% vào năm 2012 và 27% vào năm 2013, lên mức 92% vào năm 2014 và 96% vào năm 2015.

Mặc dù tỷ lệ trích lập dự phòng là rất cao (gần như toàn bộ lợi nhuận thuần) nhưng vì lợi nhuận của Eximbank đã sa sút từ khi ngân hàng này giảm mạnh vốn liên ngân hàng, nên lượng trích lập dự phòng trong hai năm 2014 và 2015 dù lớn nhưng cũng không quá lớn, tổng cộng khoảng 2.260 tỷ đồng. Nhờ vậy mà nợ xấu năm 2015 của Eximbank đã giảm về mức 1.574 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu là 1,86%.

Nhưng "liều thuốc" đầu tiên là chưa đủ mạnh. Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của Eximbank cho thấy, ngân hàng này dường như đang muốn đối mặt một cách thực chất hơn với vấn đề nợ xấu của mình.

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, nợ xấu của Eximbank đã tăng vọt từ mức 1.574 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 4.285 tỷ đồng thời điểm kết thúc ngày 20/06/2016. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó mà vọt lên mức 5,3%, vượt xa giới hạn nợ xấu 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, nợ xấu của Eximbank tại VAMC là 6.052 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng được 1.330 tỷ đồng.

Đồng thời, như thường lệ, Eximbank vẫn tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao (89%) trong 6 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, vì lợi nhuận thuần 6 tháng chỉ ở mức 740 tỷ đồng nên lượng trích lập dự phòng của Eximbank cũng chỉ được 661 tỷ đồng.

Nhưng đối mặt với nợ xấu thực tế hoàn toàn không phải là điều dễ dàng, bởi Eximbank đang gặp một khó khăn rất lớn, đó là lợi nhuận ngân hàng này ở mức không cao, đồng nghĩa với lượng trích lập dự phòng cũng sẽ không nhiều. Điều này nghĩa là Eximbank sẽ phải mất một thời gian rất dài để giải quyết nợ xấu. Đây là "liều thuốc đắng" lần 2 cho Eximbank, với liều lượng mạnh hơn và dài hơn nhiều so với "liều thuốc đắng" đầu tiên.

Dường như "liều thuốc" lần 2 này là quá đắng cho Eximbank, khiến ngân hàng này có vẻ chùn bước. Bởi chỉ 3 tháng sau khi ghi nhận mức nợ xấu cao kỷ lục, Eximbank đã vội giảm nợ xấu xuống chỉ còn có 2.705 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc ngày 30/09/2016 (theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016), tỷ lệ nợ xấu theo đó mà giảm xuống mức 3,35%. Cơ cấu lại nợ là biện pháp phổ biến mà các ngân hàng áp dụng trong trường hợp này.

Tin mới lên