Ngân hàng

Gia tộc họ Trầm rời đi, hành khúc Sacombank có còn ‘lệch tông’?

(VNF) – Gia tộc họ Trầm dù có rời đi, nhưng hệ quả mà Sacombank phải "gánh" sau sáp nhập Southern Bank chưa biết đến khi nào mới khắc phục được. Hành khúc Sacombank vì thế, vẫn sẽ "lệch tông".

Gia tộc họ Trầm rời đi, hành khúc Sacombank có còn ‘lệch tông’?

Dù ông Trầm Bê có rời đi, nợ xấu sau sáp nhập Southern Bank cũng chẳng thể biến mất khỏi Sacombank

Sau hơn 500 ngày kể từ khi Sacombank chính thức sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), cuối cùng, gia tộc họ Trầm cũng đã hoàn toàn rời khỏi Sacombank. Theo một thông cáo phát đi từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này đã chính thức ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.

Trước đó, Hội đồng quản trị Sacombank cũng đã chấp thuận Đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa, và sẽ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua trong kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất. NHNN cũng đã có chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức ĐHĐCĐ vào tháng 4/2017.

Được biết, động thái từ nhiệm của cha con ông Trầm Bê nằm trong tiến trình thực hiện Phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập Southern Bank.

Kể từ khi "nhân tố Trầm gia" cùng Southern Bank gia nhập Sacombank, ngân hàng này chẳng khác nào hành khúc bị lệch tông. Không "lệch tông" sao được, khi Sacombank buộc phải đón nhận lượng nợ xấu khổng lồ sau sáp nhập Southern Bank của ông Trầm Bê.

Sacombank

Sacombank sau sáp nhập Southern Bank của ông Trầm Bê, chẳng khác nào hành khúc bị lệch tông

Tính đến hết ngày 31/12/2016, nợ xấu sổ sách của Sacombank đã lên đến 10.641 tỷ đồng, trong đó có tới 7.071 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn. Tính ra, tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách của Sacombank ở mức rất cao 5,35%, vượt xa ngưỡng quy định 3% của NHNN.

Không chỉ có thế, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Sacombank cho thấy, khoản mục "Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn" ghi nhận tới 38.300 tỷ đồng chứng khoán Nợ do các tổ chức kinh tế (TCKT) phát hành. Đối với đa số các TCTD, phần lớn khoản chứng khoán Nợ trên là trái phiếu VAMC. Như vậy, ước tính còn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu của Sacombank nằm tại VAMC.

Nhưng vẫn chưa hết. Ngay sau khi sáp nhập Southern Bank vào tháng 10/2015, các khoản phải thu và lãi dự thu của Sacombank bỗng dưng tăng vọt hơn 32.000 tỷ đồng và hiện đang ở mức 43.741 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, các khoản phải thu và lãi dự thu là nơi cực kỳ lý tưởng để "giấu" nợ xấu. Hiện, tỷ lệ các khoản phải thu và lãi dự thu trên tổng tài sản của Sacombank ở mức cao bất thường 13,1%.

Nợ xấu cực lớn sau sáp nhập Southern Bank gây ra cho Sacombank 2 hệ quả. Một là, Sacombank buộc phải trả lãi cho các khoản tiền mà khách hàng gửi vào Southern Bank trước đây, trong khi thu nhập lãi đem về không tương xứng do lượng lớn các khoản Southern Bank cho vay là nợ xấu. Điều này khiến cho hiệu suất kinh doanh tín dụng của Sacombank, thể hiện qua tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên thu nhập lãi, đã giảm rất rõ rệt, từ mức 41,5% của năm 2015 xuống còn 27% trong năm 2016. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Sacombank chỉ "lẹt đẹt" 372 tỷ đồng.

Hệ quả thứ 2, là chi phí trích lập dự phòng rủi ro của Sacombank tăng cao, bào mòn rất lớn lợi nhuận. Quý IV/2015, tức là kỳ kế toán ngay sau khi Sacombank sáp nhập Southern Bank, số trích lập dự phòng của Sacombank gấp tới 2,5 lần lợi nhuận thuần, gây cho Sacombank khoản lỗ 671 tỷ đồng.

Sacombank Southern Bank

Sacombank đang gánh chịu nhiều hệ quả từ sau sáp nhập Southern Bank mà chưa biết đến khi nào mới khắc phục được. Nguồn ảnh: Zing.vn

Nợ xấu nhiều chục nghìn tỷ, nhưng thực tế trong năm 2016, Sacombank chỉ trích lập dự phòng vỏn vẹn có 700 tỷ đồng. Động thái này không khó hiểu, bởi bản thân lợi nhuận thuần năm 2016 của Sacombank chỉ 1.232 tỷ đồng do chịu tác động từ hệ quả "gánh" lãi tiền gửi từ Southern Bank như đã trình bày phía trên, nên nếu trích lập dự phòng thêm nữa, Sacombank sẽ lỗ, ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của nhà băng này, khó càng thêm khó cho hoạt động kinh doanh.

"Di sản" họ Trầm để lại cho Sacombank nặng nề thế nào đã quá rõ. Kết cục ra đi cũng đã được báo trước. Và tất nhiên, điệp khúc "tái cơ cấu" ở nhiều ngân hàng trong suốt hơn 5 năm qua, nay tiếp tục sẽ lại vang lên tại Sacombank. Thế nhưng, vẫn còn đó câu hỏi: đến bao giờ mới khắc phục được nợ xấu?

Hành khúc Sacombank dù ông Trầm Bê có ra đi, hẳn vẫn sẽ "lệch tông". Nhưng điều quan trọng với Sacombank ở thời điểm hiện tại, là "cùng nắm chặt tay nhau trên con đường dài, hãy giữ vững niềm tin và ý chí", như lời bài hát truyền thống "hành khúc Sacombank" của chính nhà băng này.

Tin mới lên