Ngân hàng

Giá trị vốn hóa của ACB bất ngờ vượt Sacombank

(VNF) – Giá trị vốn hóa thị trường của ACB tính đến hết ngày 05/10/2016 đạt mức 17.477 tỷ đồng, cao hơn 613 tỷ đồng so với con số 16.864 tỷ đồng của Sacombank.

Giá trị vốn hóa của ACB bất ngờ vượt Sacombank

Giá trị vốn hóa của ACB đã vượt Sacombank

Chỉ sau 7 phiên giao dịch gần đây, thị giá cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đã tăng một mạch từ 17.200 đồng/cổ phiếu lên mức 19.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng 13,4%.

Nhờ vậy mà giá trị vốn hóa thị trường của ACB cũng tăng tương ứng, từ mức 15.415 tỷ đồng lên mức 17.477 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 05/10/2016 là 16.864 tỷ đồng.

Như vậy, giá trị vốn hóa của ACB đã vượt qua Sacombank với mức chênh 613 tỷ đồng.

Đây là thông tin khá bất ngờ vì nhiều năm trở lại đây, tổng tài sản lẫn vốn chủ sở hữu của ACB vẫn luôn thua xa Sacombank.

Tính đến thời điểm kết thúc ngày 30/06/2016, tổng tài sản của Sacombank đạt mức 312.374 tỷ đồng, gấp 1,4 lần con số 221.825 tỷ đồng của ACB. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Sacombank ở mức 22.734 tỷ đồng, gấp 1,7 lần con số 13.389 tỷ đồng của ACB.

Sở dĩ có sự "soán ngôi" trên giữa ACB và Sacombank là do thời gian gần đây, ACB liên tục đón nhận những thông tin tích cực, trong khi Sacombank thì vẫn loay hoay với tình trạng kinh doanh sa sút và tình hình tài chính kém tích cực sau khi nhận sáp nhập Southern Bank.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, Sacombank chỉ ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 308 tỷ đồng, giảm 74% so với con số 1.179 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2016 của ACB ở mức 662 tỷ đồng, tăng 16% so với con số 570 tỷ đồng nửa đầu năm 2015.

Một thông tin cũng rất quan trọng khiến giới đầu tư lo ngại với tình hình tài chính của Sacombank, đó là sau khi nhận sáp nhập Southern Bank vào tháng 10/2015, tổng các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu của ngân hàng này tăng rất mạnh từ mức 8.400 tỷ đồng thời điểm kết thúc quý III/2015 lên mức 42.909 tỷ đồng thời điểm kết thúc quý IV/2016 và gần như giữ nguyên cho đến thời điểm hiện tại.

Các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu từ lâu đã được giới chuyên gia nhận diện là nơi lý tưởng nhất để "giấu" nợ xấu. Theo báo cáo kiểm toán 2014 của Kiểm toán Nhà nước, Southern Bank có tỷ lệ nợ xấu trên 55%, nhưng báo cáo chỉ 3%.

Trong khi đó, giới đầu tư lại đang rất kỳ vọng vào ACB sau khi có thông tin ngân hàng này đã nhận chuyển nhượng 500 tỷ đồng trái phiếu từ một công ty bất động sản với lãi trung bình 9,2%/năm để cấn trừ 772 tỷ đồng tiền gửi của ACB tại GPBank. 252 tỷ đồng còn lại sẽ được cấn trừ bằng bất động sản của GPBank.

Thêm vào đó, khoản tiền gửi 400 tỷ đồng của ACB tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương thu hồi hàng năm theo lộ trình đến ngày 30/09/2020.

Với những thông tin trên, rất có thể ACB sẽ thu được khoản lợi nhuận lớn từ việc hoàn nhập dự phòng rủi ro đã trích lập đối với các khoản tiền gửi tại GPBank và VNCB.

Tin mới lên