Ngân hàng

Giảm nợ xấu bằng bán nợ: nhìn từ trường hợp ngân hàng SCB

(VNF) – Ngân hàng SCB chọn cách bán hầu hết nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, nợ xấu bán cho VAMC càng nhiều thì áp lực trích lập dự phòng theo cam kết, kéo theo đó là áp lực tạo ra lợi nhuận thuần sẽ càng tăng cao.

Giảm nợ xấu bằng bán nợ: nhìn từ trường hợp ngân hàng SCB

SCB bán hầu hết nợ xấu cho VAMC

Ngay từ khi báo cáo tài chính quý II/2016 của các ngân hàng bắt đầu được công bố thì cũng là lúc dư luận bắt đầu dấy lên những cảnh báo về tình trạng gia tăng nợ xấu trở lại trong nền kinh tế. Nợ xấu tuyệt đối và nợ xấu tương đối tính đến thời điểm kết thúc ngày 30/06/2016 tại một loạt các ngân hàng tăng khá mạnh so với hồi đầu năm.

Nợ xấu luôn là vấn đề rất nhức nhối đối với các ngân hàng và không dễ để lựa chọn phương án xử lý nợ xấu. Nếu bán một lượng lớn nợ xấu cho VAMC thì ngân hàng sẽ phải chịu áp lực rất lớn về trích lập dự phòng theo cam kết, tương đương 20% lượng nợ xấu mỗi năm. Còn nếu chấp nhận "ôm" phần lớn nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng sẽ ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là một trường hợp điển hình của phương án bán nợ xấu cho VAMC.

Năm 2012, nợ xấu của SCB ở mức khá cao là 7,22%. Nhưng chỉ một năm sau, nợ xấu của ngân hàng này giảm một cách đáng kinh ngạc, xuống còn 1,61%.

Thời điểm kết thúc năm 2014, năm 2015 và nửa đầu năm 2016, nợ xấu của SCB thuộc vào hàng thấp nhất ngành ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu lần lượt là 0,49%, 0,34% và 0,33%. Tỷ lệ nợ xấu này khiến ngay cả các "đại gia" như Vietcombank, VietinBank hay BIDV cũng phải "thòm thèm".

Tất nhiên không có điều gì thần kỳ ở đây. Đơn giản là SCB liên tục bán hầu hết nợ xấu của họ cho VAMC. Tính đến hết năm 2015, tổng nợ xấu mà ngân hàng này bán cho VAMC đã lên đến 17.000 tỷ đồng.

Vấn đề là, bán càng nhiều nợ xấu cho VAMC thì áp lực trích lập dự phòng hàng năm theo cam kết càng lớn. Trong khi đó, các khoản trích lập đều lấy từ lợi nhuận thuần nên áp lực trích lập lớn sẽ kéo theo áp lực tạo ra lợi nhuận thuần cũng lớn.

Vài năm trở lại đây, tốc độ tăng lợi nhuận thuần hàng năm của SCB ở mức rất cao. Chẳng hạn như lợi nhuận thuần năm 2014 của SCB tăng tới 93% so với một năm trước đó. Con số này ở năm 2015 là 65% và 6 tháng đầu năm 2016 là 56%.

Tuy nhiên, có một điểm khá kỳ lạ trong tình hình kinh doanh của SCB, đó là chi phí hoạt động của SCB ở mức rất thấp so với thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (đây là thu nhập chính của ngân hàng, hình thành chủ yếu từ hoạt động cho vay, ngoài ra còn hình thành đáng kể từ chứng khoán đầu tư).

Theo lẽ thường thì thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (sau đây gọi tắt là "thu nhập lãi") càng cao thì chi phí hoạt động phải càng lớn. Nhưng thật bất ngờ là hầu hết các ngân hàng tầm trung đều có chi phí hoạt động nửa đầu năm 2016 cao hơn đáng kể SCB dù thua kém đáng kể SCB về thu nhập lãi.

Cụ thể, xét trong nửa đầu năm 2016, dù tạo ra tới 11.521 tỷ đồng thu nhập lãi nhưng SCB chỉ mất có 877 tỷ đồng cho chi phí hoạt động. Trong khi đó, Sacombank dù tạo ra chỉ 9.470 tỷ đồng thu nhập lãi nhưng lại ngốn tới 2.724 tỷ đồng chi phí hoạt động. Hay như MBBank tạo ra 7.212 tỷ đồng thu nhập lãi nhưng chi phí hoạt động lại lên tới 1.809 tỷ đồng.

Còn một điểm đặc biệt nữa không thể không nhắc tới, đó là các khoản phải thucác khoản lãi, phí phải thu của SCB. Tổng các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu của SCB hiện nay đang đứng đầu trong số các ngân hàng thương mại cổ phần, đạt mức 51.144 tỷ đồng tính đến hết 6 tháng đầu năm 2016.

Theo nhiều chuyên gia ngành ngân hàng thì các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu là nơi lý tưởng để "giấu" nợ xấu và tiếp tay cho lãi ảo. Tất nhiên, ngân hàng nào có các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu lớn không có nghĩa là ngân hàng đó "giấu" nợ xấu và báo lãi ảo.

Đơn cử như các khoản lãi, phí phải thu, hay còn gọi là lãi dự thu, là nơi trực tiếp và thường xuyên nhất hình thành lên lãi ảo. Ví dụ đơn giản như một doanh nghiệp vay ngân hàng 100 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm với lãi suất 10%/năm. Sau một năm, ngân hàng hạch toán lợi nhuận 10 tỷ đồng nhưng chưa thu được nợ gốc và lãi vay, lãi vay đó phải phân loại vào lãi dự thu.

Một năm sau, doanh nghiệp đó vẫn không trả nợ gốc và lãi vay. Lúc này, ngân hàng lại tiếp tục hạch toán thêm 11 tỷ đồng lợi nhuận vì tổng khoản vay trong năm là 110 tỷ đồng gồm là nợ gốc (100 tỷ đồng) và lãi vay chưa trả (10 tỷ đồng) bị tính lãi suất 10%/năm. Tất nhiên 11 tỷ đồng đó lại được đưa vào lãi dự thu.

Cứ như vậy, lợi nhuận ngân hàng cứ tăng thêm và các khoản lãi dự thu cũng tăng thêm tương ứng mà chẳng tốn thêm chi phí hoạt động. Đây gọi là lãi ảo. Nếu ngay lập tức ngân hàng áp dụng đúng quy định của Bộ Tài chính là lãi dự thu phải thoái ra sau 6 tháng thì lãi ảo này sẽ biến mất, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm đi rất mạnh, thậm chí thua lỗ là điều "bình thường".

Tin mới lên