Ngân hàng

‘Họa mất tiền’ khiến cổ phiếu ngân hàng không tăng trong cả tháng?

(VNF) – Theo thống kê thì tất cả các cổ phiếu ngành ngân hàng đều không tăng điểm trong một tháng qua. Điều này diễn ra trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng dính phải "họa mất tiền" như Vietcombank, VIB, ANZ, VPBank hay SCB.

‘Họa mất tiền’ khiến cổ phiếu ngân hàng không tăng trong cả tháng?

Cổ phiếu ngành ngân hàng không tăng trong vòng một tháng qua

Theo thống kê thì một tháng vừa qua, không có cổ phiếu nào của ngành ngân hàng tăng điểm.

Cụ thể, tính từ hết ngày 12/08/2016 đến hết ngày 13/09/2016, chỉ duy nhất cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) là giữ nguyên mức giá. Còn lại tất cả các cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết khác đều giảm điểm so với thời điểm một tháng trước.

Chẳng hạn, cổ phiếu VCB của Vietcombank giảm 3.600 đồng trong tháng vừa qua, tương đương mức giảm 9,09%; cổ phiếu CTG của VietinBank giảm 300 đồng, tương đương mức giảm 1,71%; cổ phiếu BID của BIDV giảm 900 đồng, tương đương mức giảm 5,26%.

Các cổ phiếu của những ngân hàng tầm trung như Sacombank, ACB, Eximbank hay SHB đều giảm giá so với thời điểm một tháng trước. Theo đó, cổ phiếu STB của Sacombank giảm 900 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 8,26%; cổ phiếu ACB của ngân hàng ACB giảm 200 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 1,13%; cổ phiếu EIB của Eximbank giảm 300 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 2,8%; cổ phiếu SHB của ngân hàng SHB giảm 500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 8,93%.

Cổ phiếu NVB của ngân hàng nhỏ niêm yết duy nhất là NCB-Bank cũng có mức giảm nhẹ 100 đồng/cổ phiếu trong tháng vừa qua, tương ứng mức giảm 1,67%.

Việc tất cả các cổ phiếu của một ngành không tăng điểm trong vòng một tháng là trường hợp rất hiếm khi xảy ra, nhất là đối với ngành có nhiều doanh nghiệp niêm yết như ngành ngân hàng.

Điều này phản ánh niềm tin của đông đảo nhà đầu tư đối với ngành ngân hàng đang ở mức thiếu tích cực. Tháng vừa qua, một loạt các ngân hàng dính vào "họa mất tiền" như Vietcombank, VIB, ANZ, VPBank hay SCB.

Trước thực trạng đáng báo động này, Ngân hàng Nhà nước đã phải ban hành văn bản số 6466/NHNN-TT nhằm phòng chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản số 7469/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì và phối hợp với các bên liên quan nhằm ban hành quy định nêu rõ trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khi tiếp nhận thông tin từ khách hàng, thời gian xử lý và phương án đền bù khi phát sinh rủi ro, sự cố trong hoạt động thanh toán.

Tin mới lên