Ngân hàng

Khoảng trống nợ xấu và dấu ấn Thống đốc

(VNF) – Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua, cùng với những diễn biến thuận lợi của tỷ giá, giá vàng và lạm phát, Thống đốc Lê Minh Hưng đã có thể chuyên tâm cho công tác xử lý nợ xấu.

Khoảng trống nợ xấu và dấu ấn Thống đốc

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Ngày 21/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu với 86,35% đại biểu Quốc hội tán thành.

Thời điểm nghị quyết thông qua cũng là lúc Thống đốc Lê Minh Hưng ghi dấu ấn quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp chính trị của mình từ trước tới nay, đồng thời cũng đặt lên vai vị "tư lệnh" trẻ nhất lịch sử ngành ngân hàng trách nhiệm nặng nề trong giải quyết nỗi nhức nhối mang tên "nợ xấu", tồn tại dai dẳng suốt cả thập kỷ qua.

Nhìn lại, nếu như trong năm 2007, đa số các ngân hàng đều công bố tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, thậm chí phổ biến dưới 2% thì năm 2008, một số ngân hàng lớn đã rục rịch công bố tỷ lệ nợ xấu trên 5%, có nơi hơn 6%.

Đến năm 2011, tình hình gia tăng nợ xấu đã bắt đầu được quan tâm đặc biệt. Các ngân hàng, trước những khó khăn về thanh khoản, đã phải chấm dứt thời kỳ tăng trưởng tín dụng nóng (bình quân trên 30% giai đoạn 2007 – 2010), đưa tăng trưởng tín dụng về dưới 11%. Cũng trong năm 2011, 9 ngân hàng yếu kém đã được chỉ mặt điểm tên.

Giai đoạn 2012 – 2015, Ngân hàng Nhà nước liên tục tiến hành sáp nhập ngân hàng, có thể kể đến những "mối lương duyên" như Habubank – SHB, DaiABank – HDBank, SCB – Ficombank – TinNghiaBank, MHB - BIDV, Mekong Bank - Maritime Bank, Southern Bank – Sacombank, một phần để xử lý nợ xấu nhưng quan trọng hơn là để tránh đổ vỡ hệ thống ngân hàng.

Năm 2016, khi ông Lê Minh Hưng tiếp quản "ghế" Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng là lúc vị tư lệnh này đối mặt với khâu khó khăn nhất trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, mang tên "xử lý nợ xấu".

Thừa nhận về tỷ lệ nợ xấu thực tế là việc Thống đốc Lê Minh Hưng đã làm như là bước đầu tiên phải làm nếu muốn giải quyết ngọn ngành nỗi nhức nhối nợ xấu, bất chấp điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của một người đứng đầu ngành ngân hàng như ông.

10,08% là tỷ lệ nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tương đương với trên 550.000 tỷ đồng nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu sổ sách, nợ xấu tại VAMC và nợ xấu tiềm ẩn, cho thấy hành trình xử lý nợ xấu còn rất gian nan.

Dù không phải là "cây đũa thần", lại bị giới hạn phạm vi khi chỉ áp dụng với nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017, cũng như bị bó hẹp bởi nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước, nghị quyết xử lý nợ xấu mới thông qua vẫn tạo bước ngoặt mang tính nền tảng, lấp đầy nhiều khoảng trống "mênh mông" trong tiến trình xử lý nợ xấu trước đây, trong đó, cơ bản nhất là 2 "khoảng trống".

Quyền thu giữ tài sản bảo đảm, "khoảng trống" khiến nhiều ngân hàng lâm vào tình cảnh "đứng cho vay, quỳ thu nợ", đã trở về tay các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, theo nội dung nghị quyết, trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định.

Bên cạnh quyền thu giữ tài sản bảo đảm, khuôn khổ pháp lý giúp hình thành thị trường mua bán nợ thực thụ vốn là "khoảng trống" rất lớn trong xử lý nợ xấu từ trước đến nay, cũng được nghị quyết lần này lấp đầy.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.

Thêm vào đó, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Khép lại hành trình đấu tranh để thông qua nghị quyết cũng là mở ra hành trình mới đưa nghị quyết vào thực tế. Hành trình này dù rất gian nan, nhưng với những diễn biến thuận lợi của tỷ giá, giá vàng và lạm phát, Thống đốc Lê Minh Hưng có thể chuyên tâm cho công tác xử lý nợ xấu hơn người tiền nhiệm.

Sau dấu ấn rất có thể là di sản. Vị thống đốc trẻ tuổi đang đứng trước cơ hội "ghi điểm" trước thềm lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội năm 2018, thể hiện là một vị "tư lệnh hành động" trong một "Chính phủ hành động", quan trọng hơn hết, là đưa một nền kinh tế từ chỗ "ngập" trong nợ xấu về ngưỡng an toàn.

Tin mới lên