Ngân hàng

LienVietPostBank đem nửa tỷ USD đi gửi Ngân hàng Nhà nước

(VNF) – LienVietPostBank đang gửi 11.493 tỷ đồng tại Ngân hàng Nhà nước. Nguyên nhân là bởi ngân hàng này vẫn bị vướng trần tín dụng, đồng thời muốn hoàn thành kế hoạch tín dụng cả năm ngay khi được Ngân hàng Nhà nước cởi trần tín dụng.

LienVietPostBank đem nửa tỷ USD đi gửi Ngân hàng Nhà nước

Vì sao LienVietPostBank đem nửa tỷ USD đi gửi Ngân hàng Nhà nước?

Theo báo cáo tài chính quý III/2016, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) hiện đang gửi Ngân hàng Nhà nước số tiền lên tới 11.493 tỷ đồng. Con số này hồi đầu năm chỉ là 1.885 tỷ đồng.

Nếu tính theo tỷ giá ngân hàng hiện dao động quanh mốc 22.300 đồng/USD thì số tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước của LienVietPostBank tương đương hơn nửa tỷ USD. Đây là một số tiền rất lớn nếu so với quy mô của LienVietPostBank.

Tính đến hết ngày 30/09/2016, tổng tài sản của LienVietPostBank ở mức 133.080 tỷ đồng. Tính ra thì lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước đang chiếm tới 8,64% tổng tài sản của ngân hàng này.

Con số này ở một số ngân hàng lớn như Vietcombank là 2,85%, BIDV là 1,56%; ở một số ngân hàng tầm trung như ACB là 1,36%, VPBank là 1,75%; ở một số ngân hàng cỡ nhỏ như BacABank là 0,7%, ở VietABank là 0,25%.

Thậm chí, nếu xét về con số tuyệt đối, lượng tiền gửi này của LienVietPostBank tại Ngân hàng Nhà nước chỉ thua các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV. Ngay cả MBBank, Sacombank cũng phải "chịu thua" LienVietPostBank.

Sở dĩ có chuyện này nhiều khả năng là do LienVietPostBank vẫn đang vướng trần tín dụng.

LienVietPostBank gửi nửa tỷ USD vào NHNN

LienVietPostBank gửi nửa tỷ USD vào Ngân hàng Nhà nước do vướng trần tín dụng

Hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép LienVietPostBank tăng trưởng tín dụng ở mức 15%, tương đương mức trần dư nợ tín dụng 73.637 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 30/09/2016, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đã ở mức 72.657 tỷ đồng, nghĩa là gần chạm trần tín dụng.

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng của LienVietPostBank ở mức 104.052 tỷ đồng, tăng 34% sau 9 tháng đầu năm 2016, chênh so với dư nợ tín dụng tới hơn 31.000 tỷ đồng.

Vậy vì sao ngân hàng này không đem toàn bộ lượng tiền chênh này đi đầu tư, nhất là đầu tư vào trái phiếu để hưởng lãi suất cao hơn mà vẫn đảm bảo an toàn, mà lại dành ra tới hơn 11.000 tỷ đồng để gửi vào Ngân hàng Nhà nước?

Nguyên nhân là bởi LienVietPostBank muốn có ngay một lượng tiền lớn đẩy vào tín dụng ngay khi Ngân hàng Nhà nước cởi trần tín dụng.

Theo kế hoạch đặt ra hồi đầu năm, LienVietPostBank dự kiến tăng trưởng tín dụng từ mức 61.000 tỷ đồng lên mức 81.000 tỷ đồng. Nếu từ giờ đến cuối năm, LienVietPostBank không thể xin Ngân hàng Nhà nước cởi trần tín dụng hiện tại thì chắc chắn ngân hàng này không thể hoàn thành kế hoạch tín dụng cả năm.

Nếu được cởi trần tín dụng trong 3 tháng cuối năm, khả năng hoàn thành kế hoạch tín dụng cả năm của ngân hàng này cũng còn tùy vào thời điểm được phê duyệt, bởi gần 10.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng không thể bơm ra thị trường một cách vội vã mà vẫn phải cần thời gian thích hợp.

Tin mới lên