Ngân hàng

Luật riêng tách thành nghị quyết: Xử lý nợ xấu có ‘đẽo cày giữa đường’?

(VNF) – Ông Nguyễn Đức Hưởng nêu quan điểm rằng, việc tách luật riêng về xử lý nợ xấu thành nghị quyết Quốc hội, trong khi nghị quyết Quốc hội chỉ là tạm thời, là "đẽo cày giữa đường".

Luật riêng tách thành nghị quyết: Xử lý nợ xấu có ‘đẽo cày giữa đường’?

Nghị quyết xử lý nợ xấu liệu có phải là "đẽo cày giữa đường"?

6 vấn đề lớn, 3 căn cứ và 4 điểm mới

Tại hội thảo Xử lý nợ xấu: Nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ ra 6 vấn đề lớn trong nghị quyết xử lý nợ xấu sắp trình Quốc hội phê duyệt ngay trong kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.

Theo ông Kiên, quan điểm chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với xây dựng dự thảo nghị quyết này có thể tóm tắt trong 6 vấn đề lớn.

Thứ nhất là không sử dụng ngân sách nhà nước. Thứ hai là không trái hiến pháp.

Thứ ba là phải giới hạn thời gian hoàn thành, kết thúc của nghị quyết, không để nghị quyết nhằm giải quyết một vấn đề cấp bách mà lại kéo quá dài thì mất tính chất của nghị quyết và dễ tạo tâm lý ỉ lại trong các tổ chức tín dụng (TCTD).

Xử lý nợ xấu

Không để nghị quyết nhằm giải quyết một vấn đề cấp bách mà lại kéo quá dài thì mất tính chất của nghị quyết và dễ tạo tâm lý ỉ lại trong các TCTD, đây là quan điểm chỉ đạo của Quốc hội

Vấn đề thứ tư là nghị quyết sẽ có hiệu lực ngay từ 1/7/2017 nếu được Quốc hội tại kỳ họp này thông qua, chứ không theo trình tự văn bản quy phạm pháp luật là phải sau 6 tháng đăng công báo…

Vấn đề thứ năm, tinh thần của nghị quyết là phải đảm bảo nguyên tắc, quy luật của nền kinh tế thị trường, nghĩa là giá bán tài sản đảm bảo (TSĐB) có cao có thấp nhưng không bắt buộc "bảo toàn vốn Nhà nước".

Cuối cùng là không loại trừ trách nhiệm hình sự của các cá nhân sai phạm gây ra nợ xấu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng đồng thời chỉ ra 3 căn cứ quan trọng nhất để xây dựng nghị quyết, gồm căn cứ nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và nghị quyết số 94 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế.

"Nghị quyết Trung ương 4 đã ghi rõ một vấn đề là khi nói đến các tổ chức tín dụng, là đảm bảo hợp pháp quyền lợi của chủ nợ. Đây là lần đầu tiên chúng ta tôn trọng quyền thu giữ tài sản của chủ nợ khi người đi vay đã đem tài sản của mình trở thành tài sản đảm bảo đem ra thế chấp để vay ngân hàng", ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Xử lý nợ xấu

 Quyền lợi hợp pháp của chủ nợ lần đầu tiên được cụ thể hóa trong nghị quyết Trung ương

Song song, vị đại biểu Quốc hội này cũng chỉ ra 4 điểm mới của nghị quyết về xử lý nợ xấu. Thứ nhất là nghị quyết này có điểm bắt đầu và điểm kết thúc.

Thứ hai, nghị quyết thể hiện rõ quan điểm không phân biệt sở hữu của các TCTD, không phân biệt đối xử theo thành phần, theo sở hữu, không phân biệt NHTM Nhà nước, NHTM tư nhân, ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài trong việc áp dụng nghị quyết này.

Điểm mới thứ 3 là giới hạn lại thời gian xử lý nợ xấu là đến ngày 31/12/2016, không kéo thời gian xử lý nợ xấu cho quãng thời gian tiếp theo từ 2017 trở đi.

Điểm mới thứ 4 là về quy trình xử lý tài sản đảm bảo. Quy trình xử lý tài sản đảm bảo dựa trên nguyên tắc là không trái hiến pháp, không gây xung đột với các luật khác, bao gồm 2 bước.

Bước thứ nhất là đối với các TSĐB mà chủ TSĐB đồng ý giao lại cho các TCTD thì thực hiện theo hợp đồng cam kết kinh tế giữa 2 bên. Thứ hai, nếu chủ TSĐB không đồng ý giao thì tòa án sẽ xử lý theo quy trình rút gọn.

Sau khi tòa án xử theo quy trình rút gọn, có bản án tuyên thì trong nghị quyết cũng đã yêu cầu rõ Bộ Tư pháp – cơ quan cấp trên của Tổng cục thi hành án dân sự phải hoàn thiện lại thủ tục để áp dụng lại bản án tòa tuyên đối với các TSĐB cũng theo trình tự rút gọn để đảm bảo thống nhất trong cả hệ thống tư pháp.

Có đẽo cày giữa đường?

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã dự định trình Luật riêng về xử lý nợ xấu mang tên Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, sau khi xem xét các xung đột, Luật riêng này được tách thành 2 bộ phận, một là nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội, hai là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, người từng có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, từng là Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cũng sắp nhận nhiệm vụ tái cơ cấu Sacombank bày tỏ sự thất vọng đối với việc luật riêng biến thành nghị quyết, đặc biệt là tính tạm thời của nghị quyết.

"Chúng ta còn sản xuất hàng hóa, nền kinh tế còn phát triển hình sin lên xuống, nợ xấu chính là lăng kính phản ánh phần xuống đó. Thế từ 2017 về sau có nợ xấu không? Suốt 100 năm sau vẫn nợ xấu. Thế cho nên nếu mà cho đúng thì chúng ta phải luật hóa chứ không phải nghị quyết. Nghị quyết tức là tạm thời. Nếu mà ngắt ra từ 2016 trở về trước thì năm 2018, 2019 sẽ có nghị quyết nữa. Như vậy là đẽo cày giữa đường", ông Nguyễn Đức Hưởng nêu quan điểm.

Xử lý nợ xấu

Ông Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, việc tách luật riêng thành nghị quyết là "đẽo cày giữa đường", bởi nghị quyết chỉ là tạm thời

Thêm vào đó, ông Hưởng cũng cho rằng, quy trình xử lý TSĐB chia làm 2 bước, bước thứ nhất là nếu chủ tài sản đồng thuận thì ngân hàng được thu giữ. Nếu người có nợ xấu là chủ tài sản đó không đồng thuận thì trình ra tòa theo hồ sơ rút gọn thì như vậy không khác gì trước đây. Ông Hưởng cho rằng, khi thực hiện, bước một sẽ không bao giờ xảy ra.

Vẫn còn băn khoăn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tại hội thảo đã bày tỏ băn khoăn về quy trình xây dựng nghị quyết xử lý nợ xấu. Ông Cầu cho biết, sau khi xem xét, nghị quyết này có đến 8 xung đột với các quy định khác.  

Ông Cầu đặt câu hỏi rằng, dự thảo nghị quyết đã lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, bao gồm Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Tài chính, Bộ Tư Pháp, Bộ Công An, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay chưa?

"Tôi nghe các đồng chí nói nghị quyết này sẽ có hiệu lực ngay, cho nên khi các cơ quan này họ có ý kiến, có nghĩa là họ đã có một vài chuẩn bị khi chúng ta ban hành, như vậy nghị quyết này mới có thể đưa vào thực hiện được", ông Cầu cho hay.

Trả lời kiến nghị của đại biểu Cầu, ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội rằng, vì thời gian, thời hạn thay đổi lại các quy trình (tách Luật riêng thành Nghị quyết Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD – PV), Ủy ban Kinh tế theo chỉ đạo của Quốc hội đã lấy ý kiến của Tòa án, Viện kiểm sát và Bộ Công An riêng đối với nghị quyết này.

Tin mới lên