Ngân hàng

Maritime Bank và những chuyển động trong tủ kính

(VNF) - Sáng nay 26/5, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) chính thức diễn ra. Đây được ví như phiên họp trong tủ kính, bởi theo xác nhận của phía Maritime Bank, báo giới sẽ không được phép có mặt trong phiên họp này.

Maritime Bank và những chuyển động trong tủ kính

Nhiều chuyển động ngầm đang diễn ra tại Maritime Bank

Sự này lạ mà không lạ, bởi nhiều năm nay, Maritime Bank vẫn được biết đến là ngân hàng rất kín tiếng. Ngay như trước mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, ngân hàng này vẫn chưa công bố báo cáo thường niên năm 2016, còn báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 dù đã được công bố nhưng lại thiếu phần rất quan trọng là thuyết minh báo cáo tài chính.

Dù thông tin khá hạn chế nhưng qua những tài liệu đại hội đồng cổ đông mà Maritime Bank công bố, có thể thấy được những chuyển động thật, đáng chú ý của ngân hàng này trong năm 2016, để hình dung rõ hơn con đường mà Maritime Bank đang đi, thêm thông tin, góc nhìn cho những người quan tâm đến nhà băng này, trong đó có người gửi tiền, khách hàng vay vốn và cổ đông.

Từ "bất thường" đến "bình thường"

Một trong những điểm nổi bật nhất trong báo cáo tài chính năm 2016 của Maritime Bank là tiền gửi khách hàng giảm tới 8% so với cuối năm 2015, tương đương mức giảm 5.029 tỷ đồng. Điều hiếm xảy ra đối với một ngân hàng thương mại.

Theo lý giải từ phía Maritime Bank, sở dĩ lượng tiền gửi của ngân hàng này bị giảm là do ảnh hưởng của sự kiện cuối tháng 6/2016 khi dư luận dậy lên tin đồn ông Đinh Trường Chinh "câu kết rút ruột 30.000 tỷ" của Maritime Bank. Sau khi ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Maritime Bank lên tiếng bác bỏ tin đồn này, số dư huy động của Maritime Bank đã ổn định và tăng trưởng trở lại vào những tháng cuối năm 2016.

Song song với tín hiệu giảm vốn huy động, một biến chuyển đáng chú ý khác ở Maritime Bank cũng đồng thời diễn ra, đó là việc dư nợ cho vay của Maritime Bank tăng tới 26% trong năm 2016, trong khi lượng chứng khoán đầu tư của ngân hàng này lại giảm tới 34%. Điều này đã đưa một sự "bất thường" ở Maritime Bank trở về trạng thái "bình thường".

Tuyệt đại đa số các ngân hàng thương mại luôn lấy hoạt động tín dụng làm mảng kinh doanh chính, dư nợ cho vay cũng theo đó luôn lớn hơn lượng chứng khoán đầu tư (thường chủ yếu là trái phiếu, tín phiếu). Nhưng với Maritime Bank của năm 2015, dư nợ cho vay lại thấp hơn rất nhiều lượng chứng khoán đầu tư, 27.490 tỷ đồng so với 48.901 tỷ đồng. Ấy là sự "bất thường".

Maritime Bank

Maritime Bank đang có động thái đáng chú ý trong điều chỉnh cơ cấu tài sản

Về lý thuyết, sự "bất thường" này là dấu hiệu cho thấy ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực thanh khoản nhất định, nên phải giữ lượng lớn chứng khoán đầu tư – cũng là tài sản có tính thanh khoản cao, hơn là "chôn" vốn vào những tài sản có tính thanh khoản thấp hơn nhiều như các khoản tín dụng. Với Maritime Bank của năm 2015, phần lớn chứng khoán đầu tư là chứng khoán của Chính phủ - mang tính thanh khoản cao.

Tuy nhiên, sang năm 2016, Maritime Bank lại đột ngột giảm mạnh lượng chứng khoán đầu tư từ mức 48.901 tỷ đồng về mức 32.501 tỷ đồng, giảm tới 34%. Trong khi đó, dư nợ cho vay lại tăng tới 26%, từ mức 27.490 tỷ đồng lên mức 34.666 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc năm 2016, dư nợ cho vay của Maritime Bank đã lớn hơn lượng chứng khoán đầu tư, sự "bất thường" nay đã trở về trạng thái "bình thường", dù lượng chứng khoán đầu tư trên được cho là vẫn ở mức cao so với dư nợ cho vay.

"Cắn răng" xử lý nợ xấu

Năm 2016 là năm đánh dấu động thái mạnh tay của Maritime Bank trong xử lý nợ xấu, trước thực trạng nợ xấu còn lớn sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là khủng hoảng ngành hàng hải, cộng thêm với việc nợ xấu nhà băng này tăng mạnh sau khi nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) hồi tháng 8/2015.

Cụ thể hơn, năm 2016, Maritime Bank đã dành tới 1.793 tỷ đồng cho trích lập dự phòng, gấp 3,3 lần năm 2015, khiến lợi nhuận thuần của ngân hàng này bị bào mòn tới 94%, chỉ còn vỏn vẹn 164 tỷ đồng. Trước trích lập dự phòng, lợi nhuận thuần năm 2016 của Maritime Bank lên đến 1.907 tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2015.

Theo phía Maritime Bank, trong số 1.743 tỷ đồng chi phí trích lập dự phòng trên có 1.098 tỷ đồng là trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC.

Tính đến hết ngày 31/12/2016, lượng trái phiếu VAMC của Maritime Bank là 8.874 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2015.

Hiện nợ xấu nội bảng của Maritime Bank là 2,17%. Nếu đưa lượng nợ xấu của Maritime Bank tại VAMC từ ngoại bảng về nội bảng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này sẽ rơi vào khoảng 9.636 tỷ đồng, chiếm tới 21,9% dư nợ cho vay (đã bao gồm cả trái phiếu VAMC đưa về nợ xấu nội bảng).

Điều này cho thấy, áp lực xử lý nợ xấu của Maritime Bank vẫn còn rất lớn, nghĩa là trong những năm tiếp theo, ngân hàng này sẽ tiếp tục phải thực hiện trích lập dự phòng ở mức cao, lợi nhuận theo đó cũng sẽ duy trì ở mức tương đối thấp, dù "đau xót" nhưng cần thiết.

Ngoài lượng nợ xấu nội bảng và ngoại bảng, Maritime Bank còn tiềm ẩn một lượng nợ xấu không nhỏ đến từ các khoản phải thu và lãi, phí phải thu. Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng các khoản phải thu và lãi, phí phải thu của Maritime Bank lên đến 9.487 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm và chiếm tới 10,2% tổng tài sản.

Maritime Bank

Động thái mạnh tay xử lý nợ xấu trong năm 2016 của Maritime Bank chỉ là bắt đầu cho hành trình "cắn răng" xử lý nợ xấu

Bên cạnh những chuyển động đáng chú ý, Maritime Bank vẫn "bất động" trong việc xử lý sở hữu chéo.

Theo báo cáo từ Ban kiểm soát Maritime Bank, tại thời điểm 31/12/2016, Maritime Bank chưa tuân thủ quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN khi sở hữu cổ phần của 3 tổ chức tín dụng, gồm Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) và Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), trong đó tỷ lệ sở hữu cổ phiếu PGBank là trên 5%, chưa kể cổ phiếu Ngân hàng Đông Á nhận gán xiết nợ.

Tại phiên họp kín đại hội đồng cổ đông lần này, HĐQT Maritime Bank sẽ trình tờ trình số 83/2017/TT-HĐQT. Tờ trình này đặc biệt ở chỗ sẽ trao tới 11 thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông cho HĐQT, trong đó có nhiều đặc quyền về mua bán, góp vốn, đầu tư… trên 20% vốn điều lệ.

Đồng thời, tờ trình số 83 nếu được đại hội đồng cổ đông thông qua, sẽ cho HĐQT Maritime Bank thẩm quyền "quyết định giải pháp khắc phục biến động lớn về tài chính của Maritime Bank".

Tin mới lên