Ngân hàng

Mỉm cười với đồng yen

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chắc chắn là một trong những doanh nghiệp mỉm cười khi đồng yen Nhật đã mất giá gần 11% kể từ ngày 9-11-2016, thời điểm ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Mỉm cười với đồng yen

ACV đang hưởng lợi khi đồng yen mất giá gần 11% sau 2 tuần

Không mỉm cười sao được khi ACV có khoản vay 70 tỉ yen để đầu tư vào nhà ga T2 Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất. Cuối mỗi quí, ACV đều phải hạch toán chênh lệch tỷ giá để trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng rủi ro. Ngày 30-9-2016 một yen Nhật tương đương 222 đồng Việt Nam. Ngày 21-11-2016 (đúng vào ngày ACV đăng ký giao dịch trên sàn UpCom với giá khởi điểm 25.000 đồng/cổ phiếu) tỷ giá là 1 yen/204 đồng. Chỉ cần đồng yen không giảm giá tiếp mà đứng ở mức này cho đến hết năm là ACV có khả năng được hoàn nhập dự phòng tỷ giá 1.260 tỉ đồng.

Tương tự, khoản vay bằng đồng yen của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC-Hose) còn 22,2 tỉ yen. PPC có thể được hoàn nhập dự phòng tỷ giá gần 400 tỉ đồng, thậm chí có thể hơn trong trường hợp đồng yen cứ từ từ mà tiến về mốc 120 yen/đô la Mỹ như dự báo của bộ phận phân tích tiền tệ một số tập đoàn tài chính quốc tế.

Không lao dốc mạnh như đồng yen Nhật, nhưng đồng euro cũng đã phá đáy của 12 tháng. Những doanh nghiệp có vay nợ bằng euro như xi măng Cẩm Phả, xi măng Bỉm Sơn (BCC-Hnx), xi măng Bút Sơn, xi măng Hà Tiên (HT1-Hose)... đều có thể được hoàn nhập dự phòng rủi ro tỷ giá. Ngày 31-12-2015 một euro ngang ngửa 24.660 đồng, nay nó còn chưa đầy 24.000 đồng.

"Cuộc chiến tiền tệ" đã và đang tiếp tục chuyển màu. Đồng đô la Mỹ lên giá một cách "kiên cường" và không hề tỏ ra nao núng. Các chuyên gia tài chính quốc tế còn dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 tới, một yếu tố làm cho đô la Mỹ trở nên mạnh hơn nữa. Thị trường chứng khoán khắp thế giới xanh ngắt khi mà các đồng nội tệ giảm giá. Điều kỳ lạ là các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng tăng bất chấp đô la Mỹ đang lấy lại vị thế thống trị trên thị trường tài chính quốc tế. Chỉ số Dow Jones đã tiến gần sát ngưỡng 19.000 điểm - cao nhất mọi thời đại.

Đô la Mỹ càng mạnh, thì đối trọng hàng hóa của nó là vàng càng mất dần sức hấp dẫn. Cuối năm ngoái đã có thời điểm giá vàng thế giới rơi xuống khoảng 1.120-1.130 đô la Mỹ/ounce (khoảng 30,5 triệu đồng/lượng SJC bốn số chín). Tuần trước giá vàng đóng cửa ở 1.207,3 đô la Mỹ/ounce (tầm 32,9 triệu đồng/lượng), đã mất hơn 100 đô la Mỹ/ounce so với cách đó vài tuần. Giá vàng trong nước đã mất mốc 36 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn cao hơn giá quốc tế 3 triệu đồng/lượng. Đầu tư vàng lúc này vô cùng rủi ro, nên dễ hiểu sức cầu vàng nội địa ở mức thấp.

Trên bình diện vĩ mô, dù muốn hay không việc điều hành tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước cũng phải tính đến sự mạnh lên thấy rõ của đô la Mỹ. Với liệu pháp chủ động nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng song song với việc tăng tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày theo hướng tiền đồng mất giá 10-15 đồng/ngày so với đô la Mỹ, nhà điều hành đang chọn giải pháp đi chậm mà chắc nhằm đạt mục tiêu tiền đồng mất giá đâu đó khoảng 1% và trong tầm kiểm soát được.

Vấn đề còn lại ở đây là giữa lãi suất và tỷ giá, nhà điều hành chọn ưu tiên cái nào? Tiền đồng mất giá 1%, thậm chí 2%, theo ý kiến của một số chuyên gia, vẫn nằm trong khả năng chấp nhận được trong bối cảnh các đồng tiền khu vực đã giảm giá ở mức mạnh hơn đồng tiền Việt so với đô la Mỹ. Ngoài ra lạm phát năm nay được dự báo ở mức dưới 5% - là một sự hỗ trợ đáng kể cho việc ổn định giá trị tiền đồng. Sự ổn định giá trị của tiền đồng không đồng nghĩa với sự cố định tuyệt đối, mà nên gắn với những biến chuyển của các chỉ số khác, trong đó có việc tăng lương cơ bản, chỉ số giá tiêu dùng, kim ngạch thương mại và nợ nước ngoài của Chính phủ.

Hiện tại vai trò của lãi suất đối với nền kinh tế đang trở nên quan trọng hơn so với tỷ giá. Mục tiêu giảm lãi suất vẫn đang là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, cải thiện lợi nhuận, tăng sức mua của người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Lãi suất cũng đang là một trong những chìa khóa để mở cánh cửa tháo gỡ nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng. Nhìn rộng ra, ở các quốc gia phát triển và đang phát triển, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đều lấy lãi suất làm thước đo điều hành, còn tỷ giá được xếp ở hàng dưới. Tỷ giá hối đoái có thể biến động lên xuống 1-2%/ngày, nhưng lãi suất tăng giảm 0,25% là cả một sự cân nhắc thấu đáo của ngân hàng trung ương các nước.

Sử dụng lãi suất như một công cụ để ổn định giá trị tiền đồng là việc được Ngân hàng Nhà nước thực hiện tương đối rộng rãi, phổ biến trong vòng năm năm trở lại đây. Cung cầu ngoại tệ, dự trữ ngoại hối đang ủng hộ cho một sự điều hành tỷ giá "thả nổi có kiểm soát" nhưng có thể tạm thời đặt nặng một chút về thả nổi để cánh cửa giảm lãi suất trở nên rộng mở hơn. Còn nếu chúng ta cứ tiếp tục sử dụng lãi suất làm "con tin" để tỷ giá giậm chân tại chỗ thì cơ hội mà các ngoại tệ mạnh khác như yen Nhật, euro mất giá so với đô la Mỹ tạo ra từ bên ngoài sẽ không tận dụng được. Nên nhớ hơn một nửa nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng đồng yen Nhật và Việt Nam đang được hưởng lợi khi đồng yen giảm giá. Một sự điều chỉnh từ từ tỷ giá hối đoái 1-2% có thể không ảnh hưởng tới nợ nước ngoài bởi nó được trung hòa bởi tỷ giá đồng yen so với đô la Mỹ.

Tin mới lên