Ngân hàng

Mở rộng phạm vi hoạt động ngoại hối cho ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 28/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 21/2014/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Mở rộng phạm vi hoạt động ngoại hối cho ngân hàng

Các ngân hàng được mở rộng phạm vi hoạt động ngoại hối

Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoạt động ngoại hối

Nếu như Thông tư 21 trước đây chỉ quy định về phạm vi hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng, hoạt động vay nước ngoài là đối tượng chịu sự điều chỉnh thì thông tư mới lần này bổ sung "hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức tin dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài".

Đây được xem là sự bổ sung kịp thời và cần thiết sau khi NHNN ngày 29/6/2016 ban hành Thông tư số 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 135/2015/NĐ-CP về việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và có hiệu lực từ 13-8-2016.

Như vậy, hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của các ngân hàng hiện đang được điều chỉnh, hướng dẫn theo Thông tư 10 và Thông tư 28 vừa được ban hành. Hành lang pháp lý ngày càng rõ ràng hơn sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, với mục tiêu đa dạng hóa các kênh đầu tư, sản phẩm đầu tư nhằm phân tán rủi ro và tăng thêm nguồn thu nhập.

Một sự bổ sung quan trọng khác nữa là ở phạm vi hoạt động ngoại hối của ngân hàng. Theo đó, Điều 5 – phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước của ngân hàng thương mại, ngoài 14 nghiệp vụ hiện có theo Thông tư 21 thì Thông tư 28 bổ sung 4 nghiệp vụ là: mở tài khoản thanh toán cho tổ chức tín dụng nước ngoài; nhận tiền gửi bằng ngoại tệ từ tổ chức tín dụng nước ngoài; thực hiện các giao dịch phái sinh lãi suất và các giao dịch phái sinh khác liên quan đến ngoại hối; thực hiện các hoạt động ngoại hối khác. Riêng 2 nghiệp vụ cuối thì cần phải tuân theo nguyên tắc có sự chấp thuận và hướng dẫn bằng văn bản của NHNN về hoạt động ngoại hối đó.

Điều 6 – phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế của ngân hàng thương mại cũng bổ sung 2 nghiệp vụ là thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ với tổ chức tài chính nước ngoài; thực hiện các giao dịch phái sinh lãi suất và các giao dịch phái sinh khác liên quan đến ngoại hối cũng theo nguyên tắc có sự chấp thuận và hướng dẫn bằng văn bản của NHNN. Ngoài ra, NHNN cũng làm rõ thêm nghiệp vụ cho vay ra nước ngoài chỉ cho phép đối với khách hàng không phải là tổ chức tín dụng.

Trong quá trình mở cửa hội nhập theo các hiệp định thương mại, thì việc mở rộng hoạt động kinh doanh, nhất là hoạt động ngoại hối cho các ngân hàng thương mại là điều thật sự cần thiết. Với việc được phép mở tài khoản thanh toán và nhận tiền gửi bằng ngoại tệ từ tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ giúp ngân hàng thương mại mở rộng, tăng cường các hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, cũng như đa dạng hóa nguồn vốn huy động, tăng thêm nguồn vốn ngoại tệ để có nguồn lực mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài nếu có cơ hội, nhất là khi khung pháp lý đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đã được hợp thức hóa.

Các ngân hàng cũng sẽ có điều kiện phòng ngừa, hạn chế rủi ro thông qua các sản phẩm phái sinh về lãi suất và hối đoái mà đã được cho phép thực hiện. Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại chỉ mới được phép thực hiện các giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ ở thị trường trong nước; tuy nhiên nguồn ngoại tệ tại thị trường này không phải quá dồi dào để có thể đáp ứng những hợp đồng lớn và phát sinh nhu cầu cùng lúc, vì vậy sự cho phép hoạt động này mở rộng trên thị trường quốc tế là phù hợp và cần thiết.

Ngoài ra, với chính sách hạn chế đô la hóa, theo đó chuyển dần cơ chế vay mượn sang mua bán ngoại tệ thì việc mở rộng các nghiệp vụ mua bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi trên thị trường quốc tế sẽ giúp các ngân hàng thương mại trong nước có nhiều lựa chọn, nguồn lực và sản phẩm để phục vụ các khách hàng doanh nghiệp trong nước tốt hơn.

Cho phép gửi tiền tại chi nhánh, công ty con ở nước ngoài

Một bổ sung đáng chú ý khác là nằm ở Điều 9 – Điều kiện chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế. Theo đó quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức đối tác và xác định hạn mức giao dịch đối với đối tác nước ngoài ở đây sẽ không áp dụng đối với trường hợp ngân hàng thương mại gửi tiền (không phải tiền gửi thanh toán) tại chi nhánh, công ty con của ngân hàng thương mại đó ở nước ngoài.

Trong tình hình các ngân hàng thương mại trong nước ngày càng mở rộng mạng lưới hoạt động ra tại các quốc gia lân cận, thì việc làm rõ nội dung trên sẽ giúp các ngân hàng thương mại có hành lang pháp lý rõ ràng hơn đối với hoạt động để tiền gửi tại các chi nhánh của mình tại nước ngoài.

Tuy nhiên, NHNN cũng bổ sung nội dung "Tổng số tiền gửi của ngân hàng thương mại tại tất cả các chi nhánh, công ty con của ngân hàng thương mại ở nước ngoài không vượt quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại đó". Như vậy, một ngân hàng với vốn điều lệ khoảng 5.000 tỉ đồng thì sẽ không được gửi quá 500 tỷ đồng tại tất cả các chi nhánh và công ty con của mình ở nước ngoài.

Quy định trên nhằm tránh trường hợp các ngân hàng thương mại trong nước đem quá nhiều tiền ra gửi tại các quốc gia bên ngoài, nhất là khi lãi suất đồng đô la Mỹ trong nước đang áp dụng ở mức trần 0%, trong khi một số nước vẫn đang thả nổi. Thử hình dung một ngân hàng đang huy động đô la Mỹ từ khách hàng trong nước với lãi suất đồng là 0%, sau đó đem ra chi nhánh tại nước ngoài của mình gửi với lãi suất 2-3% và tiếp đó chi nhánh ở nước ngoài cho khách hàng tại nước đó vay vốn với lãi suất 5-6%.

Như vậy, biên độ lợi nhuận từ hoạt động này lớn hơn nhiều khi cho vay trong nước và có thể kích thích dòng vốn ngoại tệ chảy ra nước ngoài để kiếm lợi, nhất là khi đối tượng được vay đô la Mỹ trong nước ngày càng bị hạn chế dẫn đến nguồn vốn đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại đang ở trạng thái dư thừa.

Tin mới lên