Ngân hàng

Ngân hàng bán nợ cho VAMC: Vướng trong xử lý tài sản bảo đảm

(VNF) – Các ngân hàng đang gặp rất nhiều vướng mắc trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC.

Ngân hàng bán nợ cho VAMC: Vướng trong xử lý tài sản bảo đảm

Ngân hàng kêu khó trong xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC

Tại Hội thảo "Quyền xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng" do hai đơn vị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là Vụ Pháp chế và Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức, một trong những nội dung rất đáng chú ý là vấn đề xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo tham luận của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), một trong những biện pháp xử lý nợ mà các tổ chức tín dụng (TCTD) đang áp dụng rất mạnh tại thời điểm này là bán khoản nợ sang cho VAMC.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp VAMC mua nợ của các TCTD đều là mua bằng trái phiếu đặc biệt. Khi đó, TCTD vẫn phải trích lập dự phòng đối với trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và TCTD bán nợ vẫn phải quản lý, xử lý thu hồi nợ theo sự ủy quyền của VAMC và chịu trách nhiệm như chưa bán nợ.

Thế nhưng, khi TCTD muốn tiến hành việc xử lý khoản nợ, xử lý tài sản bảo đảm bằng khởi kiện ra Tòa, thì lại gặp vướng mắc, vì Tòa án không thụ lý hoặc không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của các TCTD với lý do TCTD đã bán, chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình cho pháp nhân khác, thì làm gì có chuyện khởi kiện?

Cũng theo VPBank, nếu VAMC ủy quyền cho TCTD khởi kiện và tham gia tố tụng, thì TCTD phải tham gia tố tụng với tư cách của VAMC, chứ không được sử dụng tư cách của TCTD, thậm chí, một số Tòa án còn căn cứ vào quy định không rõ ràng của Bộ Luật Dân sự năm 2005 để gạt bỏ rất vô lý: Pháp nhân này không được phép ủy quyền cho pháp nhân khác.

Nhưng kể cả khi Tòa án chấp nhận việc pháp nhân VAMC ủy quyền cho pháp nhân là các TCTD tiến hành việc khởi kiện và người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của TCTD sẽ ký đơn khởi kiện, thì Tòa án sẽ vẫn yêu cầu phải đóng dấu của VAMC thay vì đóng dấu của TCTD. Bởi hình thức của đơn khởi kiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: "ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp".

Khi đó, các TCTD phải liên hệ trình VAMC ký, đóng dấu các loại đơn, văn bản ủy quyền từ VAMC cho các cán bộ xử lý nợ của các TCTD và xin VAMC cung cấp hồ sơ pháp lý để cung cấp cho Tòa án, và tham gia quá trình tố tụng tại Tòa với tư cách người khởi kiện là VAMC.

Theo VPBank, quá trình ký, đóng dấu, thu nhập các tài liệu do VAMC chuyển cho các TCTD như trên thường kéo dài khoảng 1-2 tháng, thậm chí lâu hơn do VAMC bị quá tải vì phải ký đơn, văn bản đóng dấu cho rất nhiều TCTD, điều này làm quá trình khởi kiện ra Tòa án để xử lý các khoản nợ TCTD đã bán cho VAMC lại kéo dài thêm vài tháng.

Thậm chí, nếu khoản nợ trước khi bán cho VAMC đã được TCTD thực hiện thủ tục khởi kiện khách hàng ra Tòa án, thì khi khoản nợ đó được bán cho VAMC, TCTD lại phải "rút đơn, nộp lại đơn", do pháp nhân trong vụ kiện đã thay đổi.

Ngân hàng kêu khó khi bán nợ cho VAMC

Ngân hàng kêu khó trong xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC

Không chỉ có VPBank, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cũng đề cập khá gay gắt đến các vướng mắc xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC.

MBBank chỉ ra 3 vướng mắc chính. Thứ nhất là Tòa án yêu cầu VAMC phải trực tiếp ký Đơn khởi kiện. Thứ hai là vướng mắc trong việc nhận bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 174, Luật Đất đai năm 2013, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các TCTD được phép hoạt động tại Việt Nam.

Như vậy, theo quy định trên, VAMC (với tư cách là chủ khoản nợ mua từ ngân hàng) không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế do VAMC không phải là TCTD.

Thứ ba là vướng mắc về thủ tục xuất hóa đơn, thuế. Đối với các khoản nợ được bán cho VAMC có thời hạn (bằng trái phiếu), VAMC ủy quyền cho ngân hàng xử lý tài sản nhưng pháp luật chưa có quy định rõ ràng ngân hàng có được xuất hóa đơn hay không.

Cùng với đó, việc kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong trường hợp TCTD nhận chính tài sản bảo đảm là bất động sản của bên bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ hiện tại chưa có hướng dẫn rõ ràng. Trên thực tế, TCTD/Bên bảo đảm không phát sinh thu nhập từ việc xử lý tài sản bảo đảm bằng phương thức gán nợ như trường hợp này.

MBBank cũng kiến nghị Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính cùng Tòa án nhân dân tối cao có những biện pháp phù hợp để nhanh chóng giải quyết những vướng mắc này.

Tin mới lên