Tài chính tiêu dùng

Ngân hàng dồn tiền vào tín dụng tiêu dùng

(VNF) - Tính riêng quý I/2017, cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016, trong đó mảng cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4%, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%).

Ngân hàng dồn tiền vào tín dụng tiêu dùng

Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong quý I/2017 lên tới 29,7%

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 5/2017 ước đạt 6,8% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng 5,7% cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Tính riêng quý I/2017, cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016, trong đó mảng cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4%, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%).

Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn từ đầu năm đến nay thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng tín dụng dài hạn. Cụ thể, tỷ trọng của tín dụng trung và dài hạn ước tính giảm xuống còn 54,6% từ mức 55,1% hồi cuối năm 2016.

Xét về cơ cấu tín dụng theo loại tiền, tỷ trọng tín dụng VND tăng nhẹ 0,2 điểm%, chiếm khoảng 91,8% tổng tín dụng, tương ứng, tỷ trọng tín dụng ngoại tệ chiếm 8,2% tổng tín dụng.

Theo tính toán của UBTCQG, chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP đã có xu hướng tăng liên tục từ quý IV/2015 cho đến nay, và hiện đã ở mức 11% trong quý I/2017. Đây là mức cao thứ hai trong giai đoạn 2009-2017, chỉ đứng sau mức 13% của quý I/2011.

Cũng theo UBGSTCQG, sang tháng 5/2017, khó khăn cục bộ về thanh khoản đã giảm. Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) cả hệ thống tổ chức tín dụng tháng 5/2017 ước tính ở mức 87%, giảm nhẹ so với tháng 4 (88%). Tăng trưởng huy động vốn năm tháng đầu năm 2017 ước tăng 4,3% so với cuối năm ngoái. Đáng lưu ý, thanh khoản được hỗ trợ thêm do tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tăng trong bối cảnh giải ngân đầu tư ngân sách chậm.

Về diễn biến tỷ giá, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm. Nguyên nhân là vì nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ nguồn vốn FII (mua bán sáp nhập) và FDI tăng mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 5 tháng đầu năm đạt 12,13 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, chỉ số Bloomberg Dollar Index nhiều phiên giảm liên tiếp, giảm áp lực đáng kể lên tỷ giá VND/USD. Tính đến cuối tháng 5/2017, chỉ số này đã giảm 5,36% so với đầu năm.

Cùng với đó đó, hiện chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất ngắn hạn với những bước điều chỉnh nhỏ chưa gây áp lực đối với tỷ giá.

Tuy nhiên, UBGSTCQG đánh giá, trong khoản thời gian còn lại của năm 2017, tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Cụ thể, cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt, dự báo ở mức khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của FED trong các năm tiếp theo, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực. Thêm vào đó, xu hướng biến động khó lường của đồng Nhân dân tệ và Yên Nhật cũng sẽ tác động không nhỏ đến VND.

Tin mới lên