Ngân hàng

Ngân hàng dùng lãi lớn 'dồn' cho tăng vốn

Sau chừng hai năm im ắng, từ cuối năm 2015 đến nay, một số ngân hàng lại tái khởi động kế hoạch tăng vốn điều lệ. Nguồn tăng vốn sẽ được lấy từ lợi nhuận chưa chia, thặng dư vốn… nhằm mở rộng tăng trưởng tín dụng, đầu tư.

Ngân hàng dùng lãi lớn 'dồn' cho tăng vốn

Các đợt phát hành tăng vốn ồ ạt, khối lượng lớn sẽ làm pha loãng cổ phiếu đáng kể.

Tại mùa ĐHCĐ năm 2016, các ngân hàng như Saigonbank, VPBank, OCB, BacABank… sẽ trình cổ đông xem xét thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Lại đua tăng vốn nghìn tỷ

Ngày 18/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng. NHNN cũng duyệt phương án tăng vốn mà ĐHCĐ của Saigonbank đã thông qua vào tháng 9/2015. Quyết định chấp thuận cho SaigonBank tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng có hiệu lực trong vòng 12 tháng.

NHNN cũng yêu cầu Saigonbank thực hiện các thủ tục pháp lý, chế độ thông tin, báo cáo về việc tăng vốn, yêu cầu cổ đông tuân thủ quy định mua cổ phần, giới hạn sở hữu tại ngân hàng… Trường hợp việc phát hành cổ phần dẫn đễn cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ trở lên, Saigonbank phải trình NHNN xem xét, chấp thuận theo đúng quy định.

Được biết, hơn 4 năm trước (tháng 9/2011), SaigonBank cũng đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn từ 2.460 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Thời điểm đó, cả hệ thống ngân hàng đều rất "nóng" vấn đề tăng vốn, nhất là ba nhà băng nhỏ (SaigonBank, PGBank và BaovietBank) chịu sức ép tăng vốn đủ mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng.

SaigonBank đưa ra kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 104 triệu cổ phần (giá trị 1.040 tỷ đồng) để chào bán cho nhà đầu tư trong nước, thưởng cho cổ đông hiện hữu… Tuy nhiên, sau đó, ngân hàng chỉ hoàn thành tăng vốn lên 3.080 tỷ đồng và kế hoạch tăng vốn vẫn "án binh bất động" cho đến nay. Với kế hoạch tăng vốn lên 4.080 tỷ đồng, hiện Saigonbank chưa tiết lộ phương án phát hành cổ phần cụ thể. Tại thời điểm 30/9/2015, ngân hàng này có khoảng 410 tỷ đồng gồm thặng dư vốn cổ phần, các loại quỹ, lợi nhuận chưa phân phối… có thể dùng làm nguồn phát hành cổ phần tăng vốn.

Cuối năm 2015, NHNH cũng chấp thuận cho ba ngân hàng tăng vốn điều lệ gồm: VPBank (tăng thêm 1.100 tỷ đồng, từ mức 8.056 tỷ đồng hiện tại lên 9.181 tỷ đồng), BacABank (tăng thêm 600 tỷ đồng), ngân hàng Phương Đông-OCB (tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.500 tỷ đồng). Ngân hàng VIB cũng đã tăng vốn thêm hơn 600 tỷ đồng nhờ phát hành cổ phiếu chia thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Trong số này, BacABank có lẽ là trường hợp tăng vốn chật vật nhất thời gian qua khi nhiều lần dở dang, không thành. Năm 2016, ngân hàng đặt mục tiêu sẽ tăng vốn từ 4.400 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn được ĐHCĐ thông qua.

Theo số liệu từ NHNN, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong năm 2015 có tăng trưởng lạc quan, tín dụng tăng trưởng hơn 17%, huy động vốn tăng nhanh. Đến giữa tháng 3/2016, nhiều ngân hàng báo cáo có mức tăng trưởng tín dụng trên 20%, thậm chí có nơi tăng rất cao, tới 36-40%… Với những dự báo lạc quan, NHNN cho biết tín dụng toàn hệ thống năm 2016 có thể tăng trưởng 18-20%.

"Khát" vốn cho vay

Các ngân hàng đang có cơ sở thuận lợi để xúc tiến kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng kinh doanh thời gian tới.

VPBank - ngân hàng tỏ ra "sốt ruột" tăng vốn điều lệ nhất hệ thống, liên tục xin ý kiến cổ đông, cơ quan có thẩm quyền để phát hành thêm cổ phần. Các đợt tăng vốn của VPBank diễn ra khá suôn sẻ.

Trong năm 2015, ngân hàng đã phát hành được 74,5 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức trong tổng số 112 triệu cổ phần chào bán, nâng vốn điều lệ lên 8.056 tỷ đồng. Mốc vốn mới 9.181 tỷ đồng dự kiến sẽ đạt được vào tháng 1/2016.

Tiếp sau đợt tăng vốn lên 9.181 tỷ đồng, Hội đồng quản trị VPBank vừa có văn bản xin ý kiến cổ đông (sẽ trình ĐHCĐ ngày 28/3/2016) về việc tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng. Theo đó, ngay trong năm 2016, ngân hàng sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức với giá khoảng 27.584 đồng/CP.

Theo giải thích của VPBank, nguồn vốn tăng thêm sẽ dùng để bổ sung cho vốn trung, dài hạn cho các hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh, an toàn vốn trong giai đoạn 2012-2017.

Đáng chú ý, năm 2015, VPBank có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống, lên tới 49%, giúp cho lợi nhuận trước thuế đạt 3.096 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.395 tỷ đồng (tăng 92% so với năm 2014).

Thời gian qua, VPBank đẩy mạnh cho vay, bảo lãnh vốn cho nhiều dự án có mức đầu tư nghìn tỷ của Vingroup, HBI… Cùng với tín dụng tăng cao, nợ nhóm 3 đến 5 của VPBank cũng "phình" to hơn với dư nợ 3.145 tỷ đồng, chiếm 2,69% dư nợ.

Còn tại SaigonBank, dư nợ cho vay lại giảm 3,19% (giảm 355 tỷ đồng), xuống mức 10.784 tỷ đồng. Song, chứng khoán đầu tư lại tăng thêm 589 tỷ đồng (tăng 27,7%) lên mức 2.717 tỷ đồng… Áp lực tăng vốn xuất phát từ các yêu cầu cải thiện các chỉ số an toàn tài chính, hướng tới tiêu chuẩn quản trị Basel II. Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp mở rộng giới hạn tín dụng cho khách hàng, đầu tư tài sản cố định, góp vốn mua cổ phần, thành lập công ty con, bổ sung vốn cho vay trung dài hạn…

Tuy nhiên, các đợt phát hành tăng vốn ồ ạt, khối lượng lớn sẽ làm pha loãng cổ phiếu đáng kể, giảm giá trị cổ tức thực chất, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư. Các kỳ ĐHCĐ gần đây, nhiều cổ đông ngân hàng bày tỏ bức xúc khi ngân hàng báo lãi lớn, nhưng không chia cổ tức cao, hạn chế trả bằng tiền mặt, mà chia bằng cổ phiếu như cách "mượn vốn" một cách dễ dàng.

Tin mới lên