Ngân hàng

Ngân hàng ‘khiêu vũ’ với đòn bẩy tài chính: Sức nặng dồn lên băng mỏng

(VNF) – Như khiêu vũ trên băng, các ngân hàng – cùng với đòn bẩy tài chính – đang tạo ra những "điệu nhảy" lợi nhuận rất cuốn hút, thế nhưng, sức nặng dồn lên lớp băng mỏng dưới chân đang ngày càng lớn.

Ngân hàng ‘khiêu vũ’ với đòn bẩy tài chính: Sức nặng dồn lên băng mỏng

"Vũ điệu" giữa ngân hàng với đòn bẩy tài chính đang ngày càng trở lên kém vui.

Lợi nhuận ngân hàng – những điệu nhảy đẹp

Thời điểm nửa đầu năm 2017 trôi qua cũng là lúc các ngân hàng Việt đua nhau "khoe" lợi nhuận. Vietcombank mở màn với lợi nhuận trước thuế ước tính 5.054 tỷ đồng, tăng tới 20,5% so với cùng kỳ năm 2016, hoàn thành 53,2% kế hoạch năm. Trong khi đó, VietinBank ước tính lãi trước thuế tăng 12%, tức khoảng gần 4.700 tỷ, hoàn thành 54% kế hoạch năm.

Với Ngân hàng Quân đội (MB), mức lãi trước thuế trong nửa đầu năm 2017 ước đạt 2.368 tỷ đồng, tăng trên 30% so với cùng kỳ 2016, hoàn thành 55% kế hoạch năm.

Không chỉ có các ngân hàng lớn, tín hiệu tốt đang dồn dập đến ở các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn. LienVietPostBank gây ấn tượng với mức lợi nhuận trước thuế ước đạt 900 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Song hành, OCB báo lãi 494 tỷ đồng, vượt lãi cả năm 2016.

TPBank cũng kịp ghi nhận mức lợi nhuận 480 tỷ đồng, hoàn thành 62% kế hoạch năm. Cùng với đó, VIB báo lãi 380 tỷ đồng, tăng 25% và hoàn thành 51% kế hoạch năm.

Vietcombank

Các ngân hàng đua nhau "khoe" lợi nhuận vượt kế hoạch trong nửa đầu năm 2017

Các ngân hàng đã từng, hoặc đang gặp vấn đề về tài chính cũng đang cho thấy sự trở lại nhất định. SHB báo lãi trước thuế lên tới trên 800 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, gấp rưỡi cùng kỳ năm 2016, như là một dấu hiệu điển hình cho thấy ngân hàng này đang dần thoát khỏi thời kỳ khó khăn sau sáp nhập Habubank.

Sacombank, sau khi chốt dàn nhân sự mới, đã báo lãi gần 430 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch năm. Còn Eximbank, mức lợi nhuận nửa đầu năm ước tính khoảng 400 tỷ đồng, gấp 5 lần mức 79 tỷ đồng một năm trước đó.

"Khiêu vũ" với đòn bẩy tài chính

Nửa đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng 2 con số đã trở lên phổ biến ở nhiều ngân hàng thương mại, không ít nhà băng còn duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao 13-15% và đang đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới trần tín dụng đã giao hồi đầu năm. Cùng kỳ năm ngoái, mức tăng tín dụng thường chỉ ở mức một con số.

Đó là trên bình diện vi mô. Ở tầng vĩ mô, số liệu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng cũng đang cho thấy câu chuyện tương tự.

Tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiết lộ, đến ngày 30/6, tín dụng với nền kinh tế đã tăng 9,06%, trong đó, tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,34%.

Nhìn lại nửa đầu năm 2015, 2016, tăng trưởng tín dụng lần lượt ở mức 7,86% và 8,15%, cho thấy tăng trưởng tín dụng năm 2017 đang có những bước đi nhanh.

Tín dụng tăng cao, tuy nhiên huy động vốn lại không theo kịp. Theo số liệu từ NHNN và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, tăng trưởng huy động vốn nhiều tháng trở lại đây đang "tụt lại" khoảng 1,5-2,5 điểm% so với tăng trưởng tín dụng. Điều này trái ngược với nửa đầu năm ngoái, khi huy động tăng nhanh hơn tín dụng.

Cán cân tín dụng – huy động nghiêng về phía tín dụng, cũng có nghĩa các ngân hàng đang "tích cực" trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra những "điệu nhảy đẹp" về lợi nhuận của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm.

Một chỉ báo đáng chú ý khác cũng đang cho thấy tình trạng gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính của các ngân hàng, đó là tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR).

LDR

4 tháng đầu năm 2017, LDR hệ thống tổ chức tín dụng duy trì ở mức rất cao

Thống kê từ NHNN cho thấy, ngay trong tháng 1/2017, LDR tại các ngân hàng thương mại nhà nước đã tạo đỉnh nhiều năm với mức 97,67%. Một tháng sau đó, LDR tại nhóm ngân hàng này giảm xuống 95,58% - vẫn ở mức rất cao. Sang tháng 3/2017, LDR lại tăng lên mức 96,13% và tiếp tục tăng lên 97,46% trong tháng 4/2017 – gần bằng mức đỉnh tháng 1.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần, LDR nhóm này cũng tạo đỉnh 82,35% trong tháng 1/2017, sau khi lần đầu tiên vượt ngưỡng quy định 80% trong tháng 12/2016. Sang tháng 2, LDR giảm xuống 80,79% - vẫn vượt ngưỡng 80% - và liên tục tăng trong các tháng 3 và 4, lần lượt đạt 81,23% và 81,55%.

Xét trên toàn hệ thống, diễn biến cũng tương tự khi LDR đạt đỉnh 89,87% trong tháng 1/2017, sau đó giảm xuống 88,12% trong tháng 2, tăng lên 88,64% và 89,72% tương ứng trong tháng 3 và tháng 4.

Sức nặng dồn lên lớp băng mỏng

Ngay sau chỉ đạo giảm lãi suất cho vay của NHNN, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt thực hiện theo. Giới chuyên gia đánh giá, động thái giảm lãi suất sẽ đẩy các ngân hàng thương mại vào bối cảnh giảm biên lợi nhuận, bởi lãi suất huy động khó lòng giảm với cường độ tương đương lãi suất cho vay.

Bộ phận tư vấn của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ví von, đây là "hiệu ứng ngược" của một "chính sách đúng", đồng thời cho rằng cần có cơ chế để khắc phục điều này.

Biên lợi nhuận giảm, các ngân hàng thương mại có thể bù đắp lợi nhuận bằng cách gia tăng quy mô kinh doanh, hay nói "trúng" hơn là gia tăng quy mô tín dụng. Đó là cơ chế tự thân của thị trường. Nhưng vẫn cần một cơ chế từ NHNN, đó là cho phép nới trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đang gửi lên NHNN đề xuất này.

Trần tăng trưởng tín dụng đặt ra cho từng ngân hàng hồi đầu năm là xây dựng trên kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 17-18%/năm. Tuy nhiên hiện tại, kế hoạch này đã chính thức được nâng lên 18-20%, theo xác nhận từ Thống đốc tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng. Các ngân hàng thương mại, theo đó, nhiều khả năng sẽ được phê duyệt nới trần tăng trưởng tín dụng.

Tín dụng đã tăng nhanh, sẽ càng tăng nhanh hơn trong phần còn lại của năm 2017. Trong khi đó, huy động vốn cũng khó khăn hơn do chịu áp lực giảm lãi suất. Cán cân tín dụng – huy động đã lệch về phía tín dụng, về cuối năm càng chịu áp lực lệch thêm.

Đòn bẩy tài chính ngày càng nặng nề hơn đang đặt các ngân hàng thương mại vào thế khó, thậm chí là rủi ro, bởi lớp băng tài chính dưới chân các ngân hàng nhiều năm nay vẫn mỏng khi nợ xấu vẫn ngập tràn, tăng vốn vẫn khó khăn. Dù chưa thể ngay lập tức xảy ra "sự cố", nhưng "vũ điệu" giữa ngân hàng với đòn bẩy tài chính đang ngày càng trở lên kém vui.

Tin mới lên