Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước mở đường cho cơ chế vốn hóa nợ xấu

(VNF) – Dự thảo thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước mở ra cơ chế cho các tổ chức tín dụng có thể sử dụng thẩm quyền của mình để hoán đổi nợ xấu thành vốn góp.

Ngân hàng Nhà nước mở đường cho cơ chế vốn hóa nợ xấu

Các tổ chức tín dụng được phép vốn hóa nợ nhóm 5

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành dự thảo Thông tư quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý là tại Khoản 2, Điều 1, Chương I dự thảo thông tư này, Ngân hàng Nhà nước có mở cơ chế cho các tổ chức tín dụng được quyền hoán đổi nợ thành vốn góp, điều này cũng có nghĩa là các ngân hàng đã có quyền vốn hóa nợ xấu.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhóm nợ nói chung và các nhóm nợ xấu nói riêng đều nằm trong thẩm quyền vốn hóa của các tổ chức tín dụng.

Dự thảo thông tư quy định, các tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp đối với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro.

Nợ thuộc nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn, nghĩa là nợ xấu nhất của tổ chức tín dụng và đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với tỷ lệ 100% đối với các khoản nợ.

Cũng theo nội dung dự thảo, tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải tuân thủ bảo đảm an toàn trước và sau khi hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần, trừ trường hợp đặc biệt khi các tổ chức tín dụng đang trong quá trình triển khai tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thống đốc.

Thời gian gần đây, việc các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu để hoán đổi lấy khoản nợ của chủ nợ diễn ra khá thường xuyên bởi cơ chế này đã được cụ thể hóa mới nhất là trong Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP Luật Chứng khoán.

Tuy nhiên, cơ chế này vẫn chưa được các ngân hàng áp dụng một cách có hệ thống do Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết. Thông thường, khi thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp thì các ngân hàng vẫn phải xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước.

Việc ngân hàng tiến hành hoán đổi nợ nhóm 5 thành vốn góp sẽ tạo ra 2 hiệu ứng song song. Một mặt là ngân hàng trở thành cổ đông hoặc gia tăng lượng sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp đó, mặt khác lại triệt tiêu nguồn thu từ khả năng hoàn nhập dự phòng rủi ro nếu doanh nghiệp hoạt động tốt trở lại và có khả năng trả nợ.

Tin mới lên