Ngân hàng

Người tiêu dùng bị 'bẫy' vay với lãi suất lên đến hơn 80%/năm

(VNF) - Hiện nay thực trạng áp dụng lãi suất trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng còn quá cao từ 22-60%, thậm chí lên mức 80%, đặc biệt tại các công ty tài chính.

Người tiêu dùng bị 'bẫy' vay với lãi suất lên đến hơn 80%/năm

Tại hội thảo "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng" ngày 13/7, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, giá trị tín dụng tiêu dùng chiến 6,4% tổng GDP của Việt Nam và dự báo đến 2020 có thể đạt 10% GDP, tương ứng 10 tỷ USD. Với số lượng chỉ có 16 công ty tài chính hiện nay trên thị trường thì đây được xem là miếng bánh béo bở của các công ty này.

Tuy nhiên, hiện nay, thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tại các công ty tài chính vẫn tiếp tục xảy ra. Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh thì có tới trên 80% phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng liên quan đến tài chính tiêu dùng.

Ông Hồ Tùng Bách, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh) cho hay cơ quan này đã nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng qua đường dây nóng về một số hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng của các công ty tài chính cho vay.

Người tiêu dùng phản ánh, các nhân viên tại các công ty tài chính cho vay tiêu dùng cung cấp thông tin không đầy đủ, rõ ràng, không chính xác, có dấu hiệu cố tình gây nhầm lẫn, lừa dối. Trong đó, phản ánh về mức lãi suất cho vay cao chiếm phần lớn.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật, lãi suất tín dụng tiêu dùng là do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Lãi suất cơ bản hiện nay là 9% thì các bên thỏa thuận ra sao cũng không thể vượt quá 14%.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Tùng Bách, nhiều nhân viên tư vấn cho vay đưa ra mức lãi suất từ 2-3%/tháng (tức từ 30-36%/năm) nhưng khi ký kết hợp đồng lại để mức lãi suất lên 50-60% thậm chí lên tới mức hơn 80%. Phía doanh nghiệp hoàn toàn không cung cấp các thông tin cảnh báo, thời hạn trả nợ cũng như phí phạt trả chậm, không tạo điều kiện để người tiêu dùng nghiên cứu các điều khoản trong hợp đồng. Với kiểu cho vay thủ tục vay nhanh gọn, thậm chí doanh nghiệp còn làm hợp đồng, để khách hàng ký và bỏ trống phần lãi suất rồi sau đó tự điền mức lãi suất.

Khi người tiêu dùng chủ quan, chưa nghiên cứu kỹ, việc lãi suất cao cộng thêm các khoản phí phạt khi thanh toán chậm có thể khiến khoản nợ của họ rơi vào cảnh cảm thấy mình rơi vào bẫy của các tổ chức tài chính.

Ngoài ra, theo Cục Quản lý cạnh tranh, người tiêu dùng cũng phản ánh không ít các trường hợp bị quấy rối, đe dọa trong quá trình thu hồi nợ. Hiện tượng này thậm chí còn xảy ra tại công ty lớn.

Tin mới lên