Ngân hàng

NHNN chỉ ra hàng loạt rào cản trong xử lý nợ xấu

(VNF) – Hàng loạt rào cản trong xử lý nợ xấu đã được NHNN chỉ ra trong một dự thảo báo cáo mới đây.

NHNN chỉ ra hàng loạt rào cản trong xử lý nợ xấu

Nhiều vấn đề trong xử lý nợ xấu vừa được NHNN nhìn nhận, đánh giá một cách tổng quan

Còn 190.000 tỷ nợ chưa xử lý tại VAMC

Theo một dự thảo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm kết thúc năm 2015, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng là 2,55% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu còn tồn đọng tại VAMC chưa xử lý được thì tổng nợ xấu chiếm tỷ lệ 5,94% tổng dư nợ cho vay theo quy định.

Đến tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46% (giảm so với mức 2,55% vào cuối năm 2015).

NHNN đánh giá, tỷ lệ nợ xấu không giảm nhiều so với cuối năm 2015 do nợ xấu mới phát sinh trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ hết thời hạn cơ cấu nhưng khách hàng không thanh toán được.

NHNN cũng cho biết thêm, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng (theo báo cáo số 3542/BC-TCTHADS ngày 25/10/2016  của Tổng cục thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp).

Nợ xấu VAMC

VAMC còn tới 190.000 tỷ đồng nợ còn phải xử lý, theo thông tin từ phía NHNN

Theo phía NHNN, việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD.

Đồng thời, hệ thống các TCTD vẫn còn tồn tại một số TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao, chủ yếu tập trung ở các TCTD được kiểm soát đặc biệt và một số công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém, do đó đòi hỏi cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém. 

Đâu là rào cản xử lý nợ xấu?

Theo dự thảo báo cáo của NHNN, quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến khâu xử lý tài sản đảm bảo. Nguyên nhân của những vướng mắc này bao gồm nhiều yếu tố.

Thứ nhất, thị trường bất động sản phục hồi chậm, nhiều tài sản thế chấp vướng mắc về điều kiện giao dịch, việc xác định giá trị tài sản chưa phù hợp với thực tế và thị trường nên việc xử lý bán tài sản khó khăn và kéo dài, TSBĐ của bên thứ 3  khó xử lý, quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài.

Thứ hai, thiếu cơ chế ưu đãi, thu hút nhà đầu tư có năng lực mua lại các công trình dự án bất động sản lớn đang triển khai dở dang, chẳng hạn như việc tạo cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến bán, chuyển nhượng các tài sản đảm bảo là các bất động sản, dự án đang đầu tư dở dang…

Thứ ba, nhiều khách hàng chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc thanh lý tài sản, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý về TSBĐ.

Đối với các khoản vay có tài sản thế chấp là dây chuyền máy móc thiết bị, TSBĐ bị giảm sút giá trị, rất khó khăn trong việc tìm đối tác để thanh lý, giá trị TSBĐ thu hồi được không đủ thanh toán cho các nghĩa vụ nợ phát sinh của khách hàng; …

Rào cản xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu còn nhiều rào cản, trong đó chủ yếu liên quan đến khâu xử lý tài sản đảm bảo, theo đánh giá của NHNN

NHNN nhận định, nguyên nhân liên quan đến vướng mắc về mặt pháp lý là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu chưa cao. Theo đó, quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, trong đó TCTD và VAMC không được chủ động toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng vay không trả được nợ.

Nợ xấu đang tập trung chủ yếu tại các TCTD yếu kém, trong khi hầu hết các khoản nợ xấu có liên quan đến các vụ án trọng điểm đang trong quá trình điều tra, tố tụng, nên quá trình xử lý nợ xấu bị kéo dài, do vậy, cần có thời gian xử lý cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng này.

Thêm nữa, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ cho xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động.

NHNN cũng cho biết thêm, thời gian qua, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ  về các khó khăn vướng mắc và tình hình triển khai tháo gỡ của các Bộ liên quan; Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo  đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, đây đều là những kiến nghị liên quan đến các văn bản pháp lý cần phải có thời gian để nghiên cứu, xử lý. Một số kiến nghị liên quan đến quy định tại các Luật nên việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội .

Tin mới lên