Ngân hàng

NHNN là "siêu cổ đông" của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

Nếu cộng gộp các ngân hàng thương mại Việt Nam lại và coi là 1 "siêu ngân hàng", thì cổ đông lớn nhất của "siêu ngân hàng" đó chính là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu ước tính khoảng 37% vốn điều lệ.

NHNN là "siêu cổ đông" của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

Sở dĩ gọi là "siêu cổ đông" - 1 cách nói vui, vì theo quy định hiện hành, một cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn ở tổ chức tín dụng (trừ trường hợp sở hữu cổ phần của nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa hoặc để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn, giúp đảm bảo an toàn hệ thống).

Số ngân hàng do NHNN giữ cổ phần tăng gấp đôi sau 4 năm

Hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đang ráo riết và bước vào những tháng cuối cùng theo Đề án 254 đã được Chính phủ phê duyệt từ 4 năm trước. Quá trình ấy đã thanh lọc hệ thống các tổ chức tín dụng một cách mạnh mẽ.

Số liệu của NHNN cho thấy, đến nay số lượng các tổ chức tín dụng đã giảm 17 TCTD so với thời điểm 4 năm trước thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác; được mua lại; hoặc thanh lý (có 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý).

Trong đó riêng nhóm ngân hàng có 8 cái tên đã biến mất trên thị trường gồm MDBank, MHB, DaiABank, Ficombank, TinNghiaBank, SouthernBank, WesternBank, Habubank, và hệ thống chỉ còn 34 ngân hàng thương mại thay vì 42 như trước đây.

Dấu ấn của quá trình tái cơ cấu là sự hiện diện của Nhà nước trong các ngân hàng ngày một tăng lên.

Nếu như trước đây NHNN chỉ sở hữu cổ phần ở 5 ngân hàng là Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank và MHB, thì đến nay con số ấy đã tăng lên gấp đôi, bao gồm sở hữu thêm 100% vốn của 3 ngân hàng mua lại 0 đồng là VNCB, OceanBank và GP.Bank, cùng việc nhận ủy quyền vô thời hạn không hủy ngang một số cổ phần ở 2 ngân hàng Eximbank và Sacombank.

Ở Eximbank, cho đến nay chưa có thông tin chính xác về tỷ lệ cổ phần được ủy quyền, nhưng các nguồn tin cho thấy, sau khi có kết luận thanh tra Eximbank vào ngày 22/10 vừa qua, NHNN đã nhận được một số cổ phần ủy quyền vô thời hạn không hủy ngang của một nhóm cổ đông, cùng phần vốn sở hữu của Vietcombank tại đây thì NHNN đã có trên 10% cổ phần ở Eximbank và sẽ đưa người vào điều hành, quản trị trong thời gian tới.

Với Sacombank, nguồn tin từ TBKTSG cho hay, sau khi nhận ủy quyền không hủy ngang thì NHNN đang giữ quyền chi phối ở ngân hàng hiện đang đứng thứ 5 trong hệ thống về tổng tài sản chỉ sau BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank.

Nắm giữ hơn 113.000 tỷ đồng vốn điều lệ ở 7 ngân hàng cùng việc nhận ủy quyền ở 2 ngân hàng khác

Theo số liệu của NHNN, tính đến 31/8/2015, vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 449.473 tỷ đồng. Trong đó vốn của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 144.999 tỷ đồng và của nhóm ngân hàng cổ phần là 186.147 tỷ.

Tại Vietcombank, NHNN hiện đang sở hữu 77,11% vốn điều lệ, tương đương với việc cơ quan này có 20.550 tỷ đồng trong tổng số vốn 26.650 tỷ đồng của Vietcombank.

NHNN cũng đang sở hữu 64,46% vốn tại VietinBank, tương đương với 24.000 tỷ đồng trong tổng 37.234 tỷ của ngân hàng.

Ở BIDV, ngân hàng nhà nước có xấp xỉ 30.000 tỷ vốn điều lệ khi là cổ đông chiếm 95,28% vốn của ngân hàng này (31.481 tỷ)

Ở 3 ngân hàng 0 đồng NHNN hiện đang sở hữu 100%, trong đó OceanBank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; GP.Bank có vốn 3.018 tỷ đồng và VNCB (nay là CBBank) vốn 3.000 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 10.000 tỷ đồng.

Ngoài ra ở Agribank, NHNN đang sở hữu 100% vốn, tức 28.722 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tính riêng ở các ngân hàng này, NHNN đang nắm giữ hơn 113.268 tỷ đồng, tương đương 1/4 tổng số vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đó là chưa kể, khi con số NHNN được ủy quyền ở Sacombank và Eximbank được công bố thì số vốn kia còn tăng cao hơn nữa. Hiện Sacombank đang có vốn điều lệ hơn 18.000 tỷ đồng (sau khi nhận sáp nhập SouthernBank) và Eximbank có vốn 12.355 tỷ.

Theo nguồn tin từ Thời báo kinh tế Sài Gòn, sau khi nhận ủy quyền không hủy ngang của các cổ đông liên quan tới ông Trầm Bê thì NHNN có 51% vốn của ngân hàng này.

Còn theo nguồn tin từ Thời báo kinh doanh, Vietcombank ủy quyền cho phần vốn của mình (8,24%) ở Eximbank cùng với nhóm cổ đông ủy quyền không hủy ngang khoảng 2% thì NHNN cũng sẽ có khoảng 10% vốn ở Eximbank và sẽ đưa người vào quản lý, điều hành ngân hàng này.

Như vậy, tính toán sơ bộ, phần vốn NHNN có thể đại diện ở Sacombank và Eximbank cũng lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Cộng với phần vốn sở hữu ở 7 ngân hàng nói trên, NHNN đang có tổng vốn ở các ngân hàng lên tới hơn 123 nghìn tỷ đồng.

Con số này chiếm hơn 1/4 tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng và chiếm xấp xỉ 37% vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần cộng lại (nếu không bao gồm phần vốn ở Sacombank và Eximbank thì NHNN cũng có hơn 113 nghìn tỷ vốn điều lệ trên tổng 331 nghìn tỷ của các NHTM nhà nước và NHTM CP cộng lại).

Sở hữu của NHNN tại các ngân hàng hiện nay (Đồ họa: Hương Xuân)

Trước giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo Đề án 254, vào thời điểm cuối năm 2011 NHNN chỉ sở hữu vốn tại Vietcombank (90,72%), VietinBank (80,31%), MHB (91,76%) cùng 100% ở BIDV và Agribank.

Xét trên con số tuyệt đối, thời điểm đó NHNN có hơn 72.000 tỷ đồng vốn ở 5 ngân hàng kể trên, trong đó ở Vietcombank là 18.114 tỷ; ở VietinBank là 16.245 tỷ đồng; ở MHB là 3.074 tỷ đồng, ở BIDV với 12.947 tỷ và ở Agribank 21.687 tỷ đồng.

Tức là sau 4 năm nhìn lại, số vốn của NHNN sở hữu ở các ngân hàng đã tăng 1,7 lần.

Tin mới lên