Ngân hàng

Những điểm khác biệt trọng yếu giữa quy chế cho vay cũ và mới theo Thông tư 39

(VNF) – Thông tư 39/2016/TT-NHNN có sửa đổi, bổ sung nhiều quy định rất đáng chú ý so với Quyết định 1627 trước đây.

Những điểm khác biệt trọng yếu giữa quy chế cho vay cũ và mới theo Thông tư 39

Quy chế cho vay cũ theo Quyết định 1627 và mới theo Thông tư 39 có nhiều điểm khác biệt rất đáng chú ý

Chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân

Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Như vậy, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn, có thể kể đến như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân...

Đồng thời, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.

Bỏ điều kiện về tài sản đảm bảo tiền vay

Về điều kiện vay vốn, so với Quyết định 1627, Thông tư 39/2016/TT-NHNN về cơ bản kế thừa quy định về điều kiện vay và có hai thay đổi sau đây: (i) Bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay; (ii) Bổ sung thêm đối tượng cá nhân được vay vốn là cá nhân từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.  

Về hồ sơ vay vốn, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bỏ yêu cầu khách hàng phải gửi giấy đề nghị vay vốn cho TDTD và đơn giản hóa phương án sử dụng vốn đối với hoạt động cho vay đời sống.

Không giới hạn mục đích vay vốn

Thông tư 39/2016/TT-NHNN không giới hạn mục đích vay vốn như quy chế 1627 cũ mà chia nhu cầu vay vốn thành 02 nhóm: (i) Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; và (ii) Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác.

Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng bổ sung các quy định áp dụng riêng đối với hoạt động cho vay phục vụ hoạt động nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác phù hợp với đặc điểm của từng mảng cho vay này (như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ).

Bổ sung một số nhu cầu vốn không được vay, nhưng vẫn có ngoại lệ

So với quy định tại Quyết định 1627, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bỏ quy định về đảo nợ tại Quyết định 1627 và kế thừa các quy định hiện hành tại Quyết định 1627, bổ sung một số nhu cầu vốn không được cho vay.

Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, các nhu cầu không được vay vốn gồm: (i) Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh; (ii) Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm; (iii) Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh; (iv) Để mua vàng miếng; (v) Để trả nợ khoản nợ vay tại chính TCTD cho vay; (vi) Để trả nợ khoản nợ vay tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài.

Tuy nhiên, Thông tư 39/2016/TT-NHNN có quy định ngoại lệ đối với hai nhu cầu vay vốn, cụ thể: Thứ nhất, cấm cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại chính TCTD cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; Thứ hai, cấm cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: (i) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh; (ii) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; (iii) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay

Khác với quy định tại Quyết định 1627 không quy định cụ thể đồng tiền cho vay, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định cụ thể TCTD và khách hàng thỏa thuận về việc cho vay bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định rõ đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay.

Thay đổi căn cứ tính thời hạn khoản vay từ tháng sang năm

Kế thừa quy định về loại cho vay tại Quyết định 1627, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định TCTD xem xét cho khách hàng vay theo 3 loại cho vay sau: (i) Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 năm; (ii) Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 năm và tối đa 05 năm; (iii) Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 năm.

Như vậy, so với quy định 1627, Thông tư 39 đã thay đổi căn cứ tính thời hạn của khoản vay từ tháng sang năm. Quy định này đã thay đổi thời hạn vay tính theo ngày của các loại cho vay.

Thay đổi cách tính thời hạn cho vay

Theo Quyết định 1627, thời hạn vay được tính từ khi khách hàng nhận vốn vay cho đến thời điểm khách hàng trả hết nợ và lãi vốn vay.

Tuy nhiên, theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, thời hạn cho vay được tính từ ngày tiếp theo của ngày TCTD giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến hết ngày khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của TCTD và khách hàng.

Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần, thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại BLDS 2015 về thời điểm bắt đầu thời hạn.

Ngoài ra, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định thời hạn cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, thời hạn cho vay không quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của khách hàng vay; đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

Trần lãi suất chỉ áp dụng với các khoản vay ngắn hạn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã quy định về lãi suất cho vay như sau:

Thứ nhất, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 05 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.

Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Thứ hai, Thông tư 39/2016/TT-NHNN bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Thứ ba, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Nợ gốc quá hạn gồm: (i) Nợ gốc đến hạn không trả được; và (ii) Nợ gốc chưa đến hạn bị chuyển sang đến hạn theo thỏa thuận do vi phạm hợp đồng và khách hàng không trả được.

Bổ sung thêm phí cam kết rút vốn

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã kế thừa các quy định về 4 loại phí được thu tại Thông tư 05/2010/TT-NHNN về phí và bổ sung thêm một loại phí là "phí cam kết rút vốn" từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu.

Đây là loại phí mà thông lệ quốc tế, các TCTD đều được thu để bù đắp chi phí thu xếp vốn cho vay của TCTD, hạn chế trường hợp khách hàng đã ký kết thỏa thuận về cho vay và được TCTD bố trí nguồn vốn để vay nhưng không thực hiện rút vốn.

Phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bổ sung nhiều quy định về trách nhiệm của TCTD như sau:

Thứ nhất, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, TCTD phải thực hiện: (i) Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của TCTD; (ii) Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được TCTD cung cấp đầy đủ thông tin.

Thứ hai, (i) TCTD có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay (ii) Thỏa thuận cho vay phải có nội dung thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay (iii) Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, TCTD và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.

Thứ ba, TCTD thông báo cho khách hàng về việc: (i) chuyển nợ quá hạn đối với nợ gốc (ii) chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn với nội dung thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số nợ gốc này, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng.

TCTD và khách hàng tự thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bổ sung quy định cụ thể thứ tự thu nợ đối với gốc và lãi theo hướng TCTD và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay. Riêng đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định TCTD thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau.

Cho phép có thỏa thuận cho vay khác ngoài nội dung bắt buộc

So với Quyết định 1627, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã quy định cụ thể hơn với 14 nội dung phải có của thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng.

Đồng thời, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng cho phép các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác (ngoài nội dung bắt buộc) phù hợp với quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng có thể được lập dưới hình thức: (i) Thỏa thuận cho vay cụ thể; hoặc (ii) Thỏa thuận khung và thỏa thuận cho vay cụ thể.

Chỉ chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn

Theo quy chế cho vay tại 1627, đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì toàn bộ số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn.

Tuy nhiên, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã sửa đổi quy định này theo hướng TCTD chỉ chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Thỏa thuận phạt vi phạm không áp dụng cho nghĩa vụ trả gốc, lãi

Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung quy định về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại như sau:

Thứ nhất, TCTD và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp TCTD hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp vi phạm về trả gốc, lãi

Thứ hai, TCTD và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp TCTD và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Bổ sung nhiều phương thức cho vay mới

So với Quyết định 1627, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bổ sung thêm nhiều phương thức cho vay mới phù hợp với thực tế, sửa đổi nội hàm của các phương thức cho vay để bảo đảm phân biệt rõ ràng giữa các phương thức. Cụ thể, các phương thức cho vay theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN bao gồm:

Một là, cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, TCTD và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết thỏa thuận cho vay.

Hai là, cho vay hợp vốn: Là việc có từ hai TCTD trở lên cùng thực hiện cho vay đối với khách hàng để thực hiện một phương án, dự án vay vốn.

Ba là, cho vay lưu vụ: Là việc TCTD thực hiện cho vay đối với khách hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm. Theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp.

Bốn là, cho vay theo hạn mức: TCTD xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, TCTD thực hiện cho vay từng lần. Một năm ít nhất một lần, TCTD xem xét xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này.

Năm là, cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng: TCTD cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi mức cho vay dự phòng đã thỏa thuận. TCTD và khách hàng thỏa thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng nhưng không vượt quá 01 (một) năm.

Sáu là, cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: TCTD chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán. Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 (một) năm.

Bảy là, cho vay quay vòng: TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 01 (một) tháng, khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo nhưng thời hạn cho vay không vượt quá 03 (ba) tháng.

Tám là, cho vay tuần hoàn (rollover): TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng với điều kiện: (i) Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay; (ii) Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh; (iii) Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các TCTD; (iv) Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các TCTD thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.

Chín là, các phương thức cho vay khác được kết hợp 8 các phương thức cho vay nêu trên, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của TCTD và đặc điểm của khoản vay.

Ngoài ra, Thông tư 39 cũng có quy định cụ thể về giải thích từ ngữ, nguyên tắc cho vay, yêu cầu đối với quy định nội bộ, thẩm định và quyết định cho vay, miễn giảm lãi, phí, kiểm tra việc sử dụng tiền vay, lưu giữ hồ sơ vay vốn...

Tin mới lên