Ngân hàng

Nợ xấu không đáng lo?

(VNF) – Thêm một phản ánh cho thấy, VAMC và các TCTD hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm.

Nợ xấu không đáng lo?

Ảnh minh họa

Tại một tờ trình dự thảo nghị định mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Chính Phủ, NHNN đã đưa ra nhiều số liệu thống kê rất đáng chú ý về số lượng, giá trị khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu tại VAMC lũy kế đến hết ngày 14/2/2017.

Cụ thể, theo bảng thống kê số lượng, giá trị khoản nợ của VAMC tính đến hết ngày 14/2/2017, hiện VAMC có tổng cộng 21.029 khoản nợ với tổng dư nợ gốc là 278.912 tỷ đồng.

Phân tách ra, có 20.558 khoản nợ có dư nợ gốc dưới 100 tỷ đồng với tổng giá trị là 119.168 tỷ đồng, 432 khoản nợ có dư nợ gốc từ 100 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng với tổng giá trị là 117.290 tỷ đồng, 30 khoản nợ có dư nợ gốc từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng với tổng giá trị 28.223 tỷ đồng và 9 khoản nợ có dư nợ gốc từ 1.000 tỷ đồng trở lên với tổng giá trị là 14.231 tỷ đồng.

Song hành cùng với bảng thống kê về các khoản nợ, NHNN cũng đưa ra bảng thống kê số lượng, giá trị TSBĐ của VAMC tính đến hết ngày 14/2/2017.

Cụ thể, hiện VAMC có 52.237 TSBĐ có giá trị dưới 100 tỷ đồng, 554 TSBĐ có giá trị từ 100 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng, 137 TSBĐ có giá trị từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng và 125 TSBĐ có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Mặc dù bảng thống kê TSBĐ mà NHNN công bố thiếu đi một phần rất quan trọng so với bảng thống kê khoản nợ là tổng giá trị cụ thể của từng nhóm TSBĐ, nhưng vẫn có thể nhìn thấy được một điểm rất đáng chú ý về tổng giá trị TSBĐ tại VAMC.

VAMC

Thống kê cho thấy, tổng giá trị TSBĐ tại VAMC lớn hơn nhiều tổng giá trị các khoản nợ gốc

Nếu coi tất cả TSBĐ được NHNN thống kê chỉ ở giá trị gần như tối thiểu, nghĩa là mỗi TSBĐ trong nhóm có giá trị dưới 100 tỷ đồng có giá trị chỉ 1 tỷ đồng, mỗi TSBĐ trong nhóm có giá trị từ 100 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng có giá trị chỉ 100 tỷ đồng, mỗi TSBĐ trong nhóm có giá trị từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng có giá trị chỉ 500 tỷ đồng và mỗi TSBĐ trong nhóm có giá trị từ 1.000 tỷ đồng trở lên có giá trị chỉ 1.000 tỷ đồng, thì tổng giá trị của tất cả TSBĐ tại VAMC sẽ ở mức 301.137 tỷ đồng, lớn hơn tổng giá trị của các khoản nợ gốc tại VAMC hiện đang ở mức 278.912 tỷ đồng.

Nên nhớ, con số 301.137 tỷ đồng mới chỉ là con số tối thiểu, tổng giá trị TSBĐ trên thực tế ghi sổ tại VAMC có thể lớn hơn rất nhiều.

Nếu tổng giá trị tối thiểu của TSBĐ đã lớn hơn tổng giá trị của nợ gốc, thì nợ xấu tại VAMC là không đáng lo?

Cũng chưa chắc. Vì có thể có nhiều khoản nợ xấu được bảo đảm bằng TSBĐ mà trong đó, giá trị của TSBĐ lớn hơn nhiều giá trị của khoản nợ xấu. Thêm nữa, giá trị TSBĐ theo thống kê đến ngày 14/2/2017 không phải là giá trị thị trường ở thời điểm hiện tại mà là giá trị căn cứ trên biên bản định giá gần nhất.

Tuy nhiên, việc tổng giá trị TSBĐ tại VAMC lớn hơn nhiều tổng giá trị nợ gốc vẫn phản ánh một thực tế là, VAMC và các TCTD hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm. Nếu không, với lượng TSBĐ có giá trị lớn như vậy, cộng thêm VAMC và các TCTD thuận lợi trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thì nợ xấu hiện nay đã giảm rất đáng kể, thậm chí không còn là mối lo.

Phản ánh này cũng phần nào giải thích vì sao, dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu lại tập trung nhiều đến thế vào công tác xử lý tài sản bảo đảm, trong đó đề xuất cấp thêm một loạt đặc quyền cho VAMC và các TCTD trong xử lý tài sản bảo đảm.

Tin mới lên