Ngân hàng

Nợ xấu mới xong phần "gom lại" thay vì xử lý tận gốc!

Đại biểu băn khoăn về xử lý nợ xấu dù đánh giá cao bức tranh chung của ngành ngân hàng

Nợ xấu mới xong phần "gom lại" thay vì xử lý tận gốc!

Đại biểu Thân Văn Khoa nói nợ xấu mới chỉ được "gom lại" thay vì xử lý tận gốc

Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu ngân hàng.

Theo đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang), việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đi đôi với việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng hiện nay mới thực hiện giai đoạn đầu nhưng đã có "chuyển biến tốt".

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng vẫn còn chậm được cải thiện, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để. Đến cuối tháng 9/2015 số nợ xấu đã về dưới mức 3% và nếu nhìn vào số lượng nếu trên có thể thấy cứ tiến triển như vậy nợ xấu không còn là nỗi lo nhưng trong thực tế nợ xấu được xử lý như thế nào.

Dẫn thông tin của Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), từ 1/10/2013 đến 25/10/2015 các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC 226.028 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 191006 tỷ, VAMC xử lý thu hồi bằng các hình thức được 16.277 tỷ đồng đạt tỷ lệ rất khiêm tốn 72% so với dư nợ gốc là 8,5 % và so với giá mua.

"Như vậy, có thể khẳng định phần lớn số nợ mà VAMC mua hiện còn khoảng 175.529 tỷ đồng mới chỉ được gom lại tại VAMC chưa được xử lý thu hồi giải quyết tận gốc. Về bản chất nợ xấu vẫn còn đó. Tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý số nợ xấu", đại biểu nói.

Tuy nhiên, ngoài chuyện nợ xấu, các đại biểu có đánh giá khá tích cực đối với kết quả chung của công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ), năm 2015 ngành ngân hàng tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Ngân hàng nhà nước đã dựa vào Luật ngân hàng nhà nước, Luật tổ chức tín dụng và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt để xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Theo lộ trình như yêu cầu kiểm soát đặc biệt, yêu cầu tăng vốn, yêu cầu sáp nhập, hợp nhất, khi không thể sáp nhập tự nguyện mà nợ xấu, nợ mất vốn vượt quá xa vốn tự có, nguy cơ mất an toàn hệ thống gia tăng nguy hiểm, Ngân hàng nhà nước đã tiến hành mua bằng 0 với 3 ngân hàng.

"Qua theo dõi cho thấy các ngân hàng sau khi đã được xử lý đều hoạt động đúng lộ trình tái cơ cấu, thanh khoản ổn định, tiền gửi được củng cố, nợ xấu giảm dần, hoạt động tốt dần lên, tài sản được tăng nhanh. Có thể đánh giá Ngân hàng nhà nước đã thành công trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém, đảm bảo ổn định thị trường vàng, thành công trong kiểmn soát lạm phát đã kéo được lãi suất xuống thấp và ổn định. Tỷ giá hối đoái được ổn định, dự trữ ngoại hối được tăng cao, đến nay đạt được 38 tỷ USD", ông nhận xét.

Tin mới lên