Ngân hàng

Nợ xấu tăng, ngân hàng khó thanh lý tài sản

Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang có dấu hiệu tăng nhẹ tại các nhà băng lớn. Trong khi đó, việc thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ không dễ vì khách hàng thường bất hợp tác, nên buộc ngân hàng phải kiện ra tòa.

Nợ xấu tăng, ngân hàng khó thanh lý tài sản

Vụ việc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB) khởi kiện Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (Công ty Phương Trang) về khoản nợ xấu hàng ngàn tỷ đồng đang trở thành mối quan tâm của thị trường tài chính trong những ngày qua. Năm 2015, với kết quả thu hồi nợ khá tích cực, số dư nợ xấu CB bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đạt 500 tỷ đồng. Năm 2016, cùng với việc khoanh nợ, bán nợ cho VAMC, xử lý tài sản, CB phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có kết luận đối với các khoản nợ lớn và tích cực thu hồi nợ bằng tiền.

Trong quý II/2016, các nhóm nợ xấu lớn đã và đang được CB tập trung xử lý. Trong đó, gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của Công ty Phương Trang đã được CB khởi kiện trong thời gian từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015. Từ nay đến hết năm 2016, CB sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản đối với toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm Công ty Phương Trang. Việc xúc tiến xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu liên quan đến nhóm nợ Công ty Phương Trang sẽ là khởi đầu khả quan để CB có cơ sở xử lý tích cực các nhóm nợ xấu lớn trong năm 2016.

Ông Đỗ Tất Khá, Phó tổng giám đốc CB cho biết, với khoản nợ xấu gần 3.000 tỷ đồng tại 10 bộ hồ sơ khởi kiện, do tồn đọng từ nhiều năm qua, sau nhiều lần làm việc không đạt kết quả, CB bắt buộc phải khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật. "Nếu như cải tổ hoạt động là điều kiện tối cần thiết, thì công tác thu hồi, xử lý nợ xấu tại CB được xem là hạt nhân của tiến trình tái cấu trúc ngân hàng. Đối với CB, công tác thu hồi nợ càng đóng vai trò quan trọng hơn, bởi Ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước, công tác thu hồi nợ chính là bảo vệ tài sản, quyền lợi của Nhà nước đang bị doanh nghiệp, cá nhân chiếm dụng", ông Khá nói.

Tuy nhiên, cái khó trong xử lý nợ xấu là việc phát mãi tài sản đảm bảo thu hồi nợ, do thủ tục nhiêu khê và ngân hàng không thể đơn phương phát mãi. Đáng chú ý là, tài sản đảm bảo chủ yếu bất động sản, song việc bất động sản ấm lên chưa tác động đáng kể đến quá trình xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, các khoản nợ xấu ngân hàng thương mại bán cho VAMC là những khoản nợ xấu có giá trị lớn, trong khi thị trường bất động sản hiện chỉ mới ấm lên ở phân khúc căn hộ có mức giá bình dân. Hơn nữa, hợp đồng tín dụng cho phép ngân hàng phát mãi, song quyền giải quyết tài sản thế chấp là bất động sản hiện cũng không thuộc về ngân hàng.

Một lãnh đạo Ngân hàng Agribank trên địa bàn TP.HCM cho biết, khách hàng không muốn hợp tác với ngân hàng, vì lo ngại tài sản đảm bảo bị xử lý. Một khi ngân hàng - khách hàng không tìm được tiếng nói chung thì sẽ phải kiện ra tòa, với thời gian kéo dài cả năm. Đó cũng chính là lý do vì sao việc xử lý nợ xấu hiện nay còn chậm.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để xử lý được nợ xấu, đòi hỏi việc xử lý tài sản đảm bảo phải thông thoáng hơn để có thể phát mãi thu hồi nợ nhanh. Mặt khác, Việt Nam phải hình thành thị trường mua - bán nợ, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ theo cơ chế thị trường, chứ không thể chỉ trông chờ vào bất động sản hồi phục. Việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường cũng đã được đề cập tại Nghị định số 34/2015/NĐ-CP, nhưng để thực hiện được cơ chế này, đòi hỏi phải có thời gian.

Tin mới lên