Ngân hàng

‘Nợ xấu vẫn là cục máu đông, cần hành lang pháp lý mới để xử lý'

(VNF) - Đại biểu Trần Văn Minh tỏ ra kém vui với kết quả xử lý nợ xấu và cho rằng cần có khung pháp lý mới để thúc đẩy công việc này một cách hiệu quả.

‘Nợ xấu vẫn là cục máu đông, cần hành lang pháp lý mới để xử lý'

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Minh

Phát biểu tại Quốc hội ngày 19/11, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng ông chưa thật sự hài lòng với kết quả xử lý nợ xấu hiện nay.

Phát biểu của ông Minh là để góp ý cho nội dung "đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu của VAMC mua về" được quy định trong Điều 76 dự thảo luật đấu giá, theo đó "giao cho Chính phủ quy định về nội dung này".

Về quy định này, đại biểu cho rằng ông "rất băn khoăn", đặc biệt là khi căn cứ vào số liệu nợ xấu tại báo cáo của Chính phủ.

Cụ thể, trong báo cáo có nêu từ năm 2013 đến hết tháng 9/2015 VAMC đã mua về hơn 191.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng nợ xấu, trong khi đó mới xử lý được gần 15.000 tỷ tức bằng khoảng 7,7% tổng nợ xấu mua về.

Trong số "xử lý được" này, bán nợ xấu chỉ được khoảng 2.800 tỷ bằng 1,46% và bán tài sản đảm bảo chỉ được 1.100 tỷ bằng 0,58%.

"Qua số liệu này chúng ta thấy kết quả đạt được quả là con số rất nhỏ, làm lãng phí đi một nguồn lực của đất nước, tôi cho rằng nợ xấu này vẫn là một cục máu đông, làm ảnh hưởng đến việc đưa nguồn vốn của ngân hàng bơm ra nền kinh tế", ông Minh nhấn mạnh.

Đại biểu cũng cho hay qua trao đổi với một số cán bộ ngân hàng nhà nước, ông thấy hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là đang thiếu đi một hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý các khoản nợ xấu này.

"Thời gian vừa qua chúng ta đang thực hiện việc xử lý nợ xấu bằng các nghị định của Chính phủ như Nghị định 53/2013 và Nghị định 34/2015. Từ thực tế này, rất cần được luật hóa hoạt động đấu giá tài sản, đấu giá nợ xấu tài sản đảm bảo tiền vay của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua về", ông đề xuất.

Cụ thể hơn, ông cũng đề xuất rằng nên thiết kế luôn trong Luật đấu giá tài sản một chương riêng về hoạt động đấu giá của VAMC, trong đó có quy định đầy đủ trình tự, thủ tục, hồ sơ, giá khởi điểm giám định tài sản, cơ quan được tham gia đấu giá.

Đại biểu nhấn mạnh them rằng chỉ có luật hóa hoạt động đấu giá của VAMC thì mới có thể nhanh chóng xử lý được hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu đã được VAMC mua về, cũng như đang do các tổ chức tín dụng nắm giữ.

Đồng thời, đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để sớm hình thành nên thị trường mua bán nợ. Mặt khác, khi luật hóa được các quy định cụ thể thì sẽ giảm bớt đi được tính khung của luật, giúp cho luật rõ ràng, minh bạch hơn và sớm đi vào thực tiễn cuộc sống. 

Tin mới lên