Ngân hàng

Nới room vốn ngoại cho ngân hàng: Áp lực đến từ những cú "nhấp chuột"

Dù không nới room, thì khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, ngân hàng ngoại chỉ cần "nhấp chuột" là có thể vươn tới thị trường Việt Nam mà không cần mua cổ phần ngân hàng nội hay thành lập chi nhánh.

Nới room vốn ngoại cho ngân hàng: Áp lực đến từ những cú "nhấp chuột"

Liên tiếp đề nghị nới room 

Tại một hội thảo diễn ra đầu tuần này, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế đang tác động mạnh đến lĩnh vực ngân hàng. Dù lộ trình tự do hóa lĩnh vực này của Việt Nam chậm hơn các nước ASEAN-5 khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, song áp lực hội nhập của các ngân hàng Việt Nam vẫn rất lớn, năng lực quản trị và năng lực tài chính còn yếu, sản phẩm chưa đa dạng, cơ cấu thu nhập còn nặng về thu lãi…

Trước áp lực này, đại diện Vietcombank đưa ra một số đề xuất, trong đó có việc tính đến lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng từ 30-35%. Ngoài ra, cần xác định lộ trình giảm tiếp tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các ngân hàng TMCP nhà nước, vì hiện nay ngân sách không có, nếu không giảm tỷ lệ của Nhà nước, thì rất khó tăng vốn.


Nới room cho vốn ngoại là giải pháp nhanh nhất để các ngân hàng trong nước trưởng thành. Ảnh: T.C

Trước Vietcombank, Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) cũng đã đề xuất Chính phủ nới room lên trên mức 30% hiện nay. 

Trên thực tế, việc nới room để thực hiện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng là xu hướng khó tránh. Tháng 4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam lên trên mức trần 30% hiện nay.
"Áp lực tăng vốn để đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, nâng cao tỷ lệ an toàn, xử lý nợ xấu… của các ngân hàng rất lớn, trong khi nguồn lực trong nước lại hạn chế. Hơn nữa, room sở hữu phải 35% trở lên thì nhà đầu tư ngoại mới mặn mà, vì họ mới có quyền phủ quyết", lãnh đạo một ngân hàng TMCP nói.

Giải pháp đi tắt

Theo tài liệu tóm tắt về TPP, Chương Dịch vụ tài chính quy định, các nước trong TPP có quyền cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới cho một nước khác trong khối mà không phải thành lập cơ sở hoạt động. Với quy định này, khi TPP được ký kết, các ngân hàng trong khối TPP chỉ cần "nhấp chuột" là có thể thỏa sức bán các dịch vụ tài chính cho khách hàng ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam cho hay, trình độ số hóa của các ngân hàng trong khu vực đã ở mức rất cao, trong khi ở Việt Nam vẫn ở mức sơ khai. Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng cảnh báo, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, thì nhiều ngân hàng ngoại đã hoàn thành công tác chuẩn bị và sẵn sàng nhắm vào thị trường Việt Nam khi TPP, AEC có hiệu lực.

Trong bối cảnh đó, nới room cho vốn ngoại là giải pháp "đi tắt" nhanh nhất để các ngân hàng trong nước trưởng thành nhanh chóng, sẵn sàng chuẩn bị cho hội nhập. Nếu không lớn nhanh, các ngân hàng nội sẽ nhanh chóng bị đè bẹp khi lĩnh vực ngân hàng chính thức mở cửa.

Mặc dù vậy, hiện quan điểm của Chính phủ về nới room vẫn rất thận trọng do sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong nước còn yếu. Nới room là xu hướng khó tránh, nhưng sẽ khó có chuyện nới room ồ ạt, có thể trước mắt, Chính phủ sẽ cho phép thí điểm ở một vài ngân hàng.

"Ngay cả với VietinBank, theo tôi, lộ trình nới room sẽ rất thận trọng, có thể ban đầu chỉ 35% và tiến tới nâng dần lên, song mức cao nhất không quá 49%. Thời điểm nới room cũng được cân nhắc kỹ, dựa vào nhiều yếu tố của nền kinh tế và an ninh ngân hàng", một chuyên gia nhận định.

Tin mới lên