Ngân hàng

'Ông lớn' BIDV trước áp lực dẫn đầu về dư nợ tín dụng

(VNF) – Trong nhiều năm qua, BIDV luôn giữ ở thế dẫn đầu về dư nợ tín dụng mặc dù thua kém đáng kể về vốn chủ sở hữu khi so sánh với VietinBank và Vietcombank. Để duy trì vị thế này, BIDV đã và đang phải chịu những áp lực đáng kể.

'Ông lớn' BIDV trước áp lực dẫn đầu về dư nợ tín dụng

BIDV dẫn đầu về dư nợ tín dụng khi so với VietinBank và Vietcombank

Trong số "tam trụ" ngành ngân hàng gồm BIDV, VietinBank và Vietcombank thì BIDV là ngân hàng có vốn chủ sở hữu thấp nhất với 44.422 tỷ đồng tính đến thời điểm kết thúc ngày 30/06/2016, trong khi con số này ở VietinBank và Vietcombank lần lượt là 59.511 tỷ đồng và 48.673 tỷ đồng. Thế nhưng BIDV lại là ngân hàng dẫn đầu về dư nợ tín dụng trong nhiều năm qua.

Dù có vốn chủ sở hữu thấp nhất nhưng dư nợ tín dụng của BIDV vẫn luôn cao nhất khi so sánh với VietinBank và Vietcombank

Cụ thể, kết thúc năm 2014, dư nợ tín dụng của BIDV đạt mức 445.693 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với con số 439.869 tỷ đồng của VietinBank và vượt xa con số 323.338 tỷ đồng của Vietcombank.

Chỉ một năm sau, dư nợ tín dụng của BIDV đã tăng lên tới 598.434 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy mà dư nợ tín dụng của BIDV đã khá cách biệt so với con số 538.079 tỷ đồng của VietinBank và ngày càng vượt xa con số 387.151 tỷ đồng của Vietcombank. Năm 2015 cũng là năm BIDV nhận sáp nhập Ngân hàng phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Vị trí số 1 về dư nợ tín dụng tiếp tục thuộc về BIDV tính đến thời điểm kết thúc ngày 30/06/2016 với con số 657.623 tỷ đồng. Vị trí số 2 thuộc về VietinBank với 592.866 tỷ đồng. Vietcombank ở vị trí số 3 với dư nợ tín dụng ở mức 427.240 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng ở mức cao nhất trong khi vốn chủ sở hữu lại ở mức thấp nhất khi so với VietinBank và Vietcombank cho thấy, rõ ràng BIDV chấp nhận chịu rủi ro cao hơn để duy trì vị trí dẫn đầu về dư nợ tín dụng.

Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó.

BIDV hiện đang phải chấp nhận chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự (gọi tắt là "chi phí lãi") cao hơn đáng kể so với VietinBank và Vietcombank để tạo ra cùng một mức thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (gọi tắt là "thu nhập lãi"). Thu nhập lãi là khoản thu nhập chính của các ngân hàng.

Tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi của BIDV cao hơn đáng kể VietinBank và Vietcombank

Cụ thể, chi phí lãi của BIDV thời điểm kết thúc năm 2014, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 đều chiếm trên 60% thu nhập lãi của ngân hàng này, trong khi con số này của VietinBank và BIDV luôn dưới 60%.

Mức chênh lệch tỷ lệ này tại thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016 của BIDV so với VietinBank đã lên đến 8 điểm phần trăm, so với Vietcombank thì lên đến 15 điểm phần trăm.

Song hành cùng với sự dẫn đầu về dư nợ tín dụng cũng, BIDV cũng dẫn đầu luôn cả về nợ xấu.

Nợ xấu tuyệt đối và nợ xấu tương đối thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016 của BIDV cao vượt trội so với VietinBank và Vietcombank

Giai đoạn 2014 – 6 tháng đầu năm 2016, nợ xấu của BIDV luôn ở mức cao nhất khi so với VietinBank và Vietcombank. Thậm chí, tại thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, nợ xấu của BIDV còn cao hơn cả của VietinBank và Vietcombank cộng lại, đạt mức 13.183 tỷ đồng.

Thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016 cũng là thời điểm ngân hàng này dẫn đầu luôn cả về về tỷ lệ nợ xấu khi so với VietinBank và Vietcombank. Con số này của BIDV là 2%, hơn gấp đôi con số 0,91% của VietinBank và nhỉnh hơn đáng kể con số 1,75% của Vietcombank.

BIDV cũng là ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần cao nhất trong số "tam trụ" ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2016 với tỷ lệ 58%, cao hơn nhiều con số 41% của 2 ngân hàng VietinBank và Vietcombank. Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2016 của BIDV cũng chỉ bằng khoảng 78% của VietinBank và Vietcombank.

Như vậy, các chỉ tiêu phản ánh rủi ro và tính hiệu quả trong hoạt động tín dụng của BIDV như: tỷ lệ chi phí lãi/thu nhập lãi, nợ xấu tuyệt đối, nợ xấu tương đối, tỷ lệ trích lập dự phòng hay lợi nhuận sau thuế đang có chiều hướng xấu đi theo thời gian, và trở nên rất rõ ràng trong 6 tháng đầu năm 2016.

Điều này phản ánh áp lực duy trì vị thế dẫn đầu về dư nợ tín dụng của BIDV trong những năm gần đây là rất lớn trong bối cảnh ngân hàng này thua kém đáng kể về vốn chủ sở hữu so với VietinBank và Vietcombank. Điều này cũng cho thấy BIDV đang gặp những khó khăn nhất định trong việc kiểm soát những áp lực này. Năm 2015, BIDV đã sáp nhập thêm một ngân hàng khác là MHB nên vấn đề kiểm soát áp lực tín dụng sẽ có thể còn phức tạp hơn nữa trong tương lai.

Tin mới lên